Tháng 8 năm 2016, tôi thực hiện một loạt bài về “Thủ khoa đầu ra” ở các trường đại học. Loạt bài đó được đón nhận mạnh mẽ từ độc giả.
Sau khi bài viết của tôi khởi đăng được một ngày. Tôi bỗng nhận được tin nhắn từ T. – nhân vật trong tuyến bài của mình rằng: “Anh ơi làm ơn có thể xóa bài viết về em được không?”.
Nói thêm, T. là thủ khoa của khoa Kế toán, trường Đại học Thương mại, tôi tìm tới cô bởi câu chuyện ba năm sau khi ra trường cô chưa thể tìm được cho mình một công việc ổn định, nếu không muốn nói là thất nghiệp.
Theo phản xạ nghề nghiệp, tôi chột dạ liền đọc lại bài mình, phải chăng trong bài mình có sai sót? Nhưng sau nhiều lần soát từng con chữ, tôi không phát hiện ra lỗi gì có thể khiến cho nhân vật của mình lại cầu xin khẩn khoản như vậy. Tôi nhắn lại hỏi lý do. Và lập tức, một tin nhắn ngắn gọn vô cùng được hồi đáp khiến tôi đau lòng: “Thôi anh ạ! Trễ rồi…”.
Sau nhiều lần nói chuyện, tôi được biết T. không thể chịu nổi áp lực từ dư luận. Độc giả chỉ trích cô, họ chê cô kém cỏi và chỉ biết đổ lỗi cho xã hội thay vì không tự cố gắng khẳng định bản thân.
Và quả thực, tôi cũng trách nữ thủ khoa ấy. Bởi vì cô không dám đứng ra chịu những áp lực từ xã hội về câu chuyện của đời mình. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến T. thất nghiệp?
Tháng 11 năm ngoái, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về con số hơn 190 nghìn cử nhân thất nghiệp. Ông nói rằng mình rất trăn trở về con số khổng lồ ấy. Từ phát biểu của Bộ trưởng, tôi lại nghĩ tới câu nói mà T. nói về những ngày đầu bước chân vào giảng đường: “Đối với em khi đó, đại học là con đường duy nhất”.
Và sau đó, trong đầu tôi lại ong ong những câu hỏi về vấn đề học và làm của hàng ngàn sinh viên: Liệu bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ khả năng chịu trách nhiệm về con số này hay không? Và liệu Bộ trưởng có biến những trăn trở của mình thành hành động khi mà chỉ tiêu ở các trường đại học vẫn tiếp tục phình to?
Có lẽ tôi chưa đủ khả năng để trả lời được câu hỏi mình đặt ra. Nhưng hiện tại, cả nước đã có hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Tôi suy nghĩ về cách xử lý của hai con người. Bộ trưởng và bạn T. Một người đổ lỗi cho xã hội khi thất nghiệp, một người nhận lỗi về mình khi có quá nhiều người thất nghiệp. Nhưng quả thực, việc nhận trách nhiệm ấy của Bộ trưởng có thực sự là việc hay nhất? Hay đó chỉ là việc đưa “quả bóng trách nhiệm” từ chân những người đáng ra cũng phải cùng chịu trách nhiệm về mình?
Trước khi vấn đề về cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có những phương án giải quyết thì một mùa thi nữa đang diễn ra, gần một triệu thí sinh lại tiếp tục cuộc đua để có một vé tại giảng đường đại học.
Một nhà giáo đã nói với tôi rằng: Một trường có số lượng tuyển sinh cao sẽ không nói lên điều gì nếu như nó không tỉ lệ thuận với số người xin được việc làm sau khi ra trường.
Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, mà đó là cái vỏ để bao bọc cho những ai muốn khẳng định mình có chữ. Để thành công, người ta cần hành động hơn là đổ lỗi.
Minh Hoàng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả