Do đâu rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại Bình Định?

Do đâu rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại Bình Định?

Nguyễn Hưng

Nguyễn Hưng

Chủ nhật, 01/01/2017 11:41

Không chỉ bị rắn cắn do vô ý hoặc trong lúc làm đồng, nhiều trường hợp, rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà tấn công người… khiến người dân Bình Định đang rất hoang mang.

Rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà tấn công người

Bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: “Từ đầu tháng 12/2016 đến nay, khoa Nội tổng hợp đã tiếp nhận gần 30 ca nhập viện vì bị rắn cắn (trong đó: 90% là rắn lục đuôi đỏ), tăng gấp đôi so với tháng trước. Người bị rắn cắn tập trung ở các huyện Tuy An, Tuy Phước, Hoài Ân và cả TP Quy Nhơn…”.

Theo ghi nhận của PV tại Khoa Nội tổng hợp, hiện có khá đông bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị. Anh Phùng Ngọc Dũng (45 tuổi, trú xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) cho biết: “Tôi đang đi làm mướn ở Sài Gòn nghe tin vợ trong lúc nấu cháo thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện cấp cứu liền tức tốc bắt xe về ngay. Vợ tôi mang thai tháng cuối, chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày sinh, tự nhiên lại bị rắn cắn. Tuy đã cấp cứu kịp thời nhưng không biết có bị ảnh hưởng gì không. Hiện gia đình tôi đang rất lo lắng”.

Xã hội - Do đâu rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại Bình Định?

 Rắn lục đuôi đỏ bị người dân giết chết.

Cũng đang nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, ông Nguyễn Văn Thắng (54 tuổi, trú huyện Tuy Phước, Bình Định) kể: “Ngày 24/12, tôi đang dọn dẹp nhà cửa do không để ý bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay, cả người đau buốt, bàn tay như không có cảm giác. Tôi được đưa đến bệnh viện Tuy Phước và chuyển xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Rất may, nhờ chữa trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nằm điều trị cả tuần nay mà vẫn còn cảm giác đau buốt, bàn tay vẫn chưa thực sự lấy lại được cảm giác”.

Gia đình bà Trần Thị Sáu cũng phát hiện đến 2 con rắn lục đuôi đỏ một lần. Bà Sáu kể: “Tôi đang quét sân sau nhà thì phát hiện một con rắn toàn thân màu xanh và đuôi màu đỏ đang nằm khoanh tròn gần bụi chuối. Hoảng quá tôi gọi chồng con chạy ra để giết con rắn. Sau đó, chồng tôi cùng với con trai đi kiểm tra xung quanh nhà thì phát hiện thêm một con rắn dài khoảng 0,8m, đầu to bằng ngón chân cái, đuôi màu đỏ cách chỗ con rắn lúc trên chừng 6m. Sợ quá chúng tôi đuổi nó đi chứ không dám giết nữa”.

Ngay tại địa bàn TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng xảy ra tình trạng rắn lục đuôi đỏ tấn công, cắn người nhập viện. Ông Đoàn Trần Bé (51 tuổi, trú đường Hùng Vương, TP. Quy Nhơn) cho biết: “Khoảng 1 tuần trước, đứa cháu nội 7 tuổi được bố mẹ đưa về nhà chơi. Nó đang chơi ngoài sân thì đột nhiên khóc ré lên. Tôi và ba mẹ thằng bé liền chạy ra thì thằng bé đang ôm chân khóc, trên bắp chân nó có hai vết răng nanh của con rắn đang còn rỉ máu. Vợ chồng liền tức tốc đưa con đi bệnh viện cấp cứu”.

“Tôi chạy ra thì thấy con rắn màu lục, to gần bằng ngón chân cái đang từ từ trườn vào bụi. Tôi lấy gậy nhắm thẳng đầu nó đánh liên tiếp nó mới chết. Lúc này, mới để ý kỹ không chỉ toàn thân con rắn có màu xanh lục mà cái đuôi con rắn có màu đỏ rất lạ”, ông Bé cho biết thêm.

Xã hội - Do đâu rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại Bình Định? (Hình 2).

 Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại Bình Định.

Không chỉ tại các xã, huyện thuộc khu vực nông thôn mà ngay cả khu vực thành thị, tình trạng rắn lục đuôi đỏ liên tục xuất hiện, tấn công khiến nhiều người nhập viện làm người dân đang rất bất an.

Nguyên nhân do lũ?

Trao đổi với PV, bác sĩ Huỳnh Văn Hùng (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết: "Từ trước đến nay, chưa bao giờ khoa Nội tổng hợp lại tiếp nhận cấp cứu nhiều người dân bị rắn cắn như vậy. Bệnh nhân bị rắn cắn tăng đột biến, có ngày nhập viện 3-4 ca, nhiều trường hợp chuyển biến nặng dẫn đến rối loạn đông máu. Vùng cơ thể bị rắn cắn sưng bầm, phù nề, các bác sĩ phải điều trị tích cực".

Rắn lục đuôi đỏ thường không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. Thời tiết ấm áp dài tạo thuận lợi cho rắn lục đuôi đỏ phát triển và sinh sản kéo dài hơn mọi năm. Mặt khác, các trận lũ lớn trước đây đã cuốn loài rắn lục đuôi đỏ từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào đã kích thích loài này sinh sản nhiều bất thường.

“Số người nhập viện do rắn cắn sau lũ lụt tăng đột xuất, chủ yếu là vùng nông thôn. Nguyên nhân rất có thể do lũ từ thượng nguồn đổ về, mang theo cả những một số loài động vật, bò sát về đồng bằng theo dòng nước lũ. Mặt khác, thời gian gần đây, Bình Định liên tục chìm trong lũ, nước ngập nên có cả trường hợp rắn bò vào nhà dân để cắn người. May mắn là đa số các trường hợp bị rắn cắn đều được phát hiện và đưa đến bệnh viện đều được chữa trị kịp thời”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội tổng hợp lo ngại người dân dọn dẹp sau mưa lũ bị rắn lục đuôi đỏ cắn không biết xử lý ban đầu, bị chuyển biến nặng phải cấp cứu sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân vùng ngập lụt khi dọn dẹp nhà cửa nên mang ủng, dùng bao tay để đề phòng bị rắn cắn. Nếu bị rắn cắn, phải sơ cứu đúng cách (nặn máu, làm sạch vết thương, băng ép) rồi đưa đến cơ sở y tế.

“Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài. Nếu ga-rô thì phải đảm bảo mạch ở phía dưới còn bắt được”, bác sĩ Dũng lưu ý.

Trang Chi

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.