“Dở khóc dở cười” khi làm việc online

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 5, 10/03/2022 07:00

Khoảng thời gian làm việc online tại nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không ít người đã có những câu chuyện khó quên.

Tiếng trẻ con ồn ào khi đang họp

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thu Thuỷ (nhân viên văn phòng) tại Hà Nội khi nhắc về quãng thời gian làm việc online tại nhà. Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Thuỷ cho biết, thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 cũng là lúc công ty chị thực hiện làm việc online, hạn chế di chuyển.

“Tôi làm việc cho một công ty về thời trang nên thời điểm giãn cách tôi được sếp tạo điều kiện cho làm việc tại nhà”, chị Thuỷ nói.

Tuy nhiên, khi làm việc tại nhà chị Thuỷ cũng gặp phải không ít những tình huống “khó đỡ”.

Chị Thuỷ kể: “Ban đầu thì mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, công việc vẫn làm tốt. Tôi có hai con nhỏ, khi biết mẹ ở nhà là chúng bắt đầu phá phách, không nghe lời. Có hôm công ty họp online, tôi đã lẻn vào phòng riêng để họp mà các con vẫn biết và vào phòng, hét lên “mẹ ơi con buồn đi vệ sinh”, “mẹ ơi con đói” khi tôi đang trình bày với sếp về đề xuất công việc. Lúc đó, tất cả mọi người đều cười, còn tôi thì phải xin sếp sẽ trình bày sau để xử lý những vấn đề mà các con đang gặp phải”.

Xu hướng thị trường - “Dở khóc dở cười” khi làm việc online

Muôn vàn tình huống bi hài khi làm việc online tại nhà (Ảnh minh hoạ).

Theo lời chị Thuỷ, làm việc online tại nhà giúp tiết kiệm thời gian khi không phải di chuyển trên đường. Tuy nhiên, với yếu tố là con nhỏ tác động thì chị không làm được việc gì hết mà thay vào đó là phải chơi, dỗ dành con nên hiệu quả công việc không cao.

Tương tự chị Thuỷ, chị Nguyễn Minh Hằng (nhân viên chuyên viết nội dung của một công ty về nội thất tại Hà Nội) cho biết: “Sau khoảng thời gian nghỉ sinh, tôi quay trở lại làm việc thì vào đúng đợt dịch, giãn cách xã hội. Nên tôi làm việc online. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian tôi “đầu bù tóc rối” thậm chí mệt bở hơi tai vì vừa trông con nhỏ lại vừa phải hoàn thành công việc”.

Chưa hết, chị Hằng cho biết có lúc chị đang làm việc hoặc trao đổi công việc với khách hàng thì con khóc ré lên, đầu dây bên kia nghe thấy cũng hỏi lại là tiếng gì thế, thế là chị buộc phải dừng cuộc trao đổi.

“Lúc đó ở nhà lại không có ai, chỉ hai mẹ con trông nhau và khối lượng công việc ngập đầu. Khi ấy tôi chỉ ước là được nhanh chóng quay trở lại làm trực tiếp, có như thế thì tôi mới nhanh chóng bắt nhịp được với công việc”, chị Hằng tâm sự.

Tắt camera để mọi người đỡ…sốc

Chia sẻ thêm với Người Đưa Tin về những tình huống khi làm việc tại nhà, bà Đặng Thanh Tuyền, Giám đốc sáng tạo – tổ chức sản xuất Công ty Cổ phần Maia Việt Nam cho biết, ở nhà làm việc bà thường có xu hướng ăn mặc đơn giản miễn sao dễ chịu và gọn gàng. Tuy nhiên, có lần công ty họp đột xuất, bà chưa kịp thay quần áo, tô son nên cuống cuồng tắt camera để mọi người đỡ… sốc.

“Cũng có lần tôi đang nói chuyện với khách hàng, bạn nhỏ ở nhà cứ gõ cửa gọi mẹ, tôi lại phải tạm dừng và ra nhắc nhở con. Đôi lúc có việc quan trọng, tôi cũng phải nhắc nhở người nhà giữ im lặng để mình tập trung làm việc”, bà Thanh Tuyền chia sẻ.

Theo lời của bà Thanh Tuyền, năm ngoái bà làm việc tại nhà hoàn toàn trong khoảng hơn 2 tháng.

Xu hướng thị trường - “Dở khóc dở cười” khi làm việc online (Hình 2).

Ở nhà làm việc bà Thanh Tuyền thường có xu hướng ăn mặc đơn giản (Ảnh: NVCC).

“Làm việc tại nhà tất nhiên là bất tiện, nhất là với công việc đòi hỏi phải gặp gỡ và đi tổ chức quay phim nhiều. Hầu hết công việc chỉ làm được một nửa, đó là chỉ có thể làm kịch bản, bàn kế hoạch trước cho các video, còn việc thực hiện vẫn phải chờ đến khi được đi làm trực tiếp”, bà Thanh Tuyền bày tỏ.

Khi qua quãng thời gian làm việc online là chính, ai cũng mong được đi làm bình thường, được gặp gỡ, bàn bạc công việc trực tiếp với đồng nghiệp, đối tác, bản thân bà Thanh Tuyền cũng vậy, bởi vì có những công việc đặc thù, bắt buộc phải như vậy mới có thể đạt được hiệu quả.

“Tuy vậy, thời gian làm việc online cũng là một giai đoạn ngắn tôi được sống chậm hơn một chút, được vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình, và cũng để hiểu hơn giá trị của việc được đi ra ngoài làm việc thế nào”, bà Thanh Tuyền chia sẻ thêm.

Trong khi đó, anh Tùng (nhân viên văn phòng của một công ty về giải trí) cho biết thời gian này anh cũng vẫn đang làm việc online. Nhớ về tình huống làm việc online “khó đỡ” nhất là lúc anh bị bạn bè, đồng nghiệp bắt gặp cảnh tượng tóc tai rối bù, quần áo xộc xệch và con thì đòi bố trong lúc đang họp.

“Khi họp online, ở nhà nên tôi không chải tóc, vuốt keo, quần áo cũng mặc không chỉnh tề, lúc đó sếp bắt bật hết camera lên để cho khí thế và mọi người nhìn thấy tôi thì  được trận cười nghiêng ngả. Chưa hết, đang họp thì cậu con trai lớn đi vào phòng và hét to đòi bố bế đi chơi… lúc đó tôi cảm thấy thật là phiền phức”, anh Tùng nói thêm.

Cũng như nhiều người, anh Tùng chỉ mong được đi làm trực tiếp, giao lưu bạn bè, tập trung công việc hơn là ở nhà con quấy khóc đòi bố hàng ngày.

Anh Nguyễn Văn Ánh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết thời gian giãn cách xã hội, phải làm việc online tại nhà anh luôn trong tình trạng bị vợ ca thán: “Vợ tôi mới sinh con nên khi làm việc tại nhà tôi cũng không thể nào tập trung được, có hôm đang họp online với sếp thì vợ tôi không biết cứ mắng chồng vì để đồ lôi thôi, rồi quần áo không cho vào máy giặt kèm với đó là bài ca “không biết giúp vợ gì cả, vợ thì mới sinh con”… Lúc đó, sếp được đà bảo “lần sau chú ý nhé” khiến bao nhiêu con mắt của các nhân sự đổ dồn, tôi chỉ biết nhanh chóng tắt tiếng rồi tắt camera để mọi người không nghe thấy tiếng vợ càu nhàu”.

Xem thêm: Làm việc online bùng nổ trong đại dịch: Bước tiến của chuyển đổi số?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.