Thạc sỹ cũng... phải nhận bằng sai chính tả
Mới đây, học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) đã long trọng tổ chức buổi trao bằng thạc sỹ cho hơn 270 học viên cao học K16. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận bằng, các tân thạc sỹ đã phát hiện có lỗi sai sót về chính tả trong phần ghi bằng tiếng Anh. Theo đó, thay vì viết "The director of Academy of Journalism and Communication" (giám đốc học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì mẫu văn bằng các tân thạc sỹ nhận được lại in nhầm "director" (giám đốc) thành "derector".
Sau khi phát hiện lỗi chính tả, các học viên đã báo lại cho phòng đào tạo. Được biết số bằng này đã được học viện thu hồi để in lại. Đối với những học viên từ các tỉnh phía Nam ra nhận bằng được lớp trưởng hẹn sẽ chuyển bằng qua đường chuyển phát nhanh sau khi chỉnh sửa.
Niềm vui ngày tốt nghiệp (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên lỗi in sai chính tả trên các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp đại học, thạc sỹ được phát hiện. Năm 2010, trường đại học Huế cũng phát hiện những lỗi sai chính tả trên bằng cử nhân và bằng thạc sỹ. Lãnh đạo trường này đã xác nhận có gần 11.000 tấm bằng cử nhân và thạc sỹ do cơ quan này cấp cho sinh viên và học viên tốt nghiệp năm 2010 bị mắc một số lỗi.
Được biết, trường này đã được bộ GD&ĐT phân cấp cho in phôi bằng, chứng chỉ để cấp cho các cơ sở đào tạo trực thuộc. Trường đã nhiều lần tổ chức họp để thống nhất mẫu thiết kế phôi bằng. Mẫu này đã được bộ GD&ĐT phê duyệt vào cuối năm 2009 rồi được chuyển cho nhà xuất bản đại học Huế in. Từ khi in đến khi phát bằng hơn một năm, trường này mới phát hiện ra các lỗi sai. Những lỗi này cũng là những lỗi không nhất quán trong phần dịch sang tiếng Anh. Lỗi trên, thể hiện rõ phần tiếng Anh lúng túng, dịch sai chính tả, sai phong cách. Ví dụ từ "major in" lẽ ra phải dịch thành "majoring in", hay "with a major in" mới đúng về mặt ngữ pháp; cụm từ "mode of study" lẽ ra phải giải thích thẳng "full-time course" hay "on-the-job training" hay "distance learning". Hoặc những lỗi sai về dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh như "trung bình - khá" được dịch thành "credit"; chính quy được dịch thành "main-stream system".
Hệ lụy của những lỗi "từ trên trời rơi xuống" này khiến cho nhiều người đi công tác và làm việc ở nước ngoài phải gánh chịu hậu quả. Cách đây không lâu, báo chí đã từng phản ánh về việc tân kỹ sư Bùi Tú San, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (trường đại học Công nghệ Sài Gòn) không đủ điều kiện để sang Hàn Quốc làm việc. Lý do không phải vì anh không đủ năng lực mà vì vấn đề chính tả trong bằng tốt nghiệp đại học.
Theo phía Hàn Quốc, họ không thấy chỗ nào trong bằng tốt nghiệp ghi "Bachelor - cử nhân" để xác định là tôi đã tốt nghiệp đại học. Họ không xác định được bằng của San là bằng loại nào. Bởi lẽ trên bằng ghi là "The Degree Of Engineer" (theo quy định của bộ GD&ĐT cụm từ tiếng Anh này quy định bằng cho các ngành thuộc khối kỹ thuật, còn ghi "Bachelor" mới là cử nhân"). Còn phía Hàn Quốc thì không thấy chỗ nào ghi chữ "Bachelor - cử nhân" để xác định rằng San đã tốt nghiệp đại học.
Đại diện bộ GD&ĐT cho này rằng, việc ghi như trên để phân biệt giữa kỹ sư là đào tạo 5 năm và cử nhân được đào tạo 4 năm. Với những nước không có hệ văn bằng này thì phải xin xác nhận của trường để giải thích cho họ rõ kèm theo bảng điểm. Trong bảng điểm chỉ rõ thời gian học và chương trình đào tạo, họ có thể so sánh với hệ thống của họ.
Tấm bằng thạc sỹ sai chính tả ở trường HV Báo chí và Tuyên truyền
Như "hòn sỏi" trong "bát cơm"
Trước sự việc vừa xảy ra tại học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà văn, nhà ngôn ngữ học PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt lắc đầu nói: "Để xảy ra lỗi ở trên tấm bằng thạc sỹ là không thể chấp nhận được. Người duyệt phôi bằng và kí văn bản này quá tắc trách. Tại làm sao mà cả người duyệt phôi bằng lẫn người kí đều không phát hiện được lỗi trong mấy trăm bằng. Bằng đại học, bằng thạc sỹ đâu phải chỉ là bộ mặt của trường, đó còn là bộ mặt của quốc gia. Nếu như những thạc sỹ đó mang bằng đó đi học ở nước ngoài, người ta sẽ nghĩ gì về vấn đề chất lượng giáo dục của Việt Nam".
"Tôi là người dạy cũng thấy buồn và chắc rằng những học viên đó cũng buồn lắm. Suốt quá trình học hành, sau bao cố gắng, họ lại được chứng nhận bởi một tấm bằng khiếm khuyết", TS Đạt buồn bã nói.
Nhà ngôn ngữ học này cũng cho rằng, cái đáng ngại không kém là tệ sai chính tả hiện nay diễn ra tràn lan. Từ cái biển hiệu quảng cáo, đến sai ở phương tiện truyền thông rồi thậm chí cả ở những nơi cửa ngõ quốc tế như sân bay quốc tế. Điều này khiến cho người nước ngoài đánh giá thấp tính chuyên nghiệp, thang giá trị mềm… của Việt Nam. "Cần phải có chế tài xử người đứng đầu cơ quan để xảy ra việc sai lỗi nghiêm trọng như vậy", ông Đạt nói.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, PGS.TS Phạm Văn Tình, phó tổng biên tập tạp chí Từ điển học cũng cho rằng, chuyện sai lỗi chính tả hiện nay diễn ra rộng khắp, nhưng lại diễn ra ở văn bằng thạc sỹ thì đó là lỗi nghiêm trọng, không thể chấp nhận.
"Ở một số nước cũng đã từng xảy ra lỗi in sai chính tả như vậy. Như trường hợp ở Philippines đã từng in sai tên Tổng thống trên tờ tiền 100 peso, tên của Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo bị in thành Arrovo. Ngân hàng trung ương Philippines đã nhanh chóng có lời xin lỗi với bà tổng thống và tuyên bố những đồng tiền như vậy vẫn có giá trị lưu hành hợp pháp", TS Tình cho biết.
Ông Tình cho rằng: "Nhìn vào văn bằng người ta sẽ đánh giá ngôi trường cấp bằng đó và họ sẽ đánh giá về trình độ giáo dục. Chính tả là văn tự và nó liên quan đến câu chuyện văn hóa. Khi nhìn thấy một văn bản sai lỗi chính tả, cảm nhận đầu tiên là thấy phản cảm. Bởi đó là văn hóa sơ đẳng, khi sai sẽ khiến cho người đọc cảm giác như ăn phải hòn sỏi trong bát cơm ngon. Hiện nay, mỗi trường, mỗi kiểu bằng rất lộn xộn. Chúng ta cần phải chuẩn hoá nội dung và cách thể hiện văn bằng. Khi chúng ta hướng ra thế giới thì cũng cần chuẩn hoá để tiện cho việc học viên học tập và làm việc ở nước ngoài".
Trên thực tế, ngoài việc văn bằng Việt Nam chưa được chấp nhận rộng rãi trên thế giới thì cũng có nhiều người sử dụng văn bằng do đơn vị đào tạo trong nước cấp cũng bị săm soi khi học tập, làm việc tại nước ngoài bởi cách ghi tên bằng có phần "Việt hóa" tiếng Anh.
Giỏi tiếng Anh vẫn có thể lỗi về phong cách Theo PGS. TS Phạm Văn Tình, bằng kinh nghiệm của ông rất ít người kí văn bằng chứng chỉ chú ý đến lỗi chính tả vì dưới họ đã có cả một đội ngũ giúp việc và chuyên gia chịu trách nhiệm rà soát văn bản đó. Nếu trong văn bản quốc tế thì bao giờ cũng có người hiệu đính, giỏi tiếng Anh. "Do đó, tốt nhất là nên để người bản ngữ hiệu chỉnh. Bởi đôi khi người Việt giỏi tiếng Anh vẫn có những lỗi về phong cách, chính tả. Tôi rất đáng tiếc về trường hợp của trường này". |
Thành Huế - Thanh Xuân