Đổ máu giữ rừng

Đổ máu giữ rừng

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Khi bị lực lượng chức năng ngăn chặn, "lâm tặc" sẵn sàng chống trả quyết liệt, có chiến sĩ đã đổ máu để giữ rừng. Dù súng đã nổ, máu đã rơi... nhưng rừng vẫn bị xẻ thịt dần dần.

Sống chết với... "lâm tặc"

Trước hành động liều lĩnh và sẵn sàng chống trả quyết liệt những người thực thi nhiệm vụ của "lâm tặc", các cán bộ kiểm lâm buộc phải nổ súng để giữ rừng.

Ông Chu Xuân Ngọc, tổ trưởng tổ trực chốt rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: "Lực lượng chúng tôi quá mỏng, trong khi "lâm tặc" lại rất đông và hung hãn. Chúng luôn có hành động thách thức, khiêu khích lực lượng kiểm lâm. Có lần, chúng mang cả loa đài đến gần tổ trực chốt, rồi bật nhạc ầm ĩ; thậm chí, chúng còn ném đá vào cửa kính trạm chốt và xe ô tô của lực lượng kiểm lâm".

Xã hội - Đổ máu giữ rừng

Ông Lương Long Hải, hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng thừa nhận: "Tình trạng chặt phá và buôn bán gỗ lậu ở rừng đặc dụng Hữu Liên đã diễn ra hàng chục năm nay".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Long Hải, hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết. "Chúng tôi cũng đã phối hợp với các ban, ngành khác để dẹp nạn buôn lậu gỗ rừng đặc dụng Hữu Liên. Tuy nhiên, cánh "lâm tặc" lại rất liều lĩnh, chúng sẵn sàng chống trả cả lực lượng của ban Quản lý và Kiểm lâm. Nhiều lần, lực lượng chức năng bắt giữ được xe chở gỗ lậu của "lâm tặc", chúng đã không ngần ngại đốt xe và gỗ trước mặt chúng tôi!".

Ông Hải cho biết thêm, năm 2011, lực lượng chức năng đã bắt hơn chục đầu nậu thu mua gỗ lậu, nhưng họ dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi như cất giữ gỗ ở nhiều nơi, vận chuyển xé lẻ, nếu có bắt cũng chỉ phạt hành chính khoảng 5 - 6 triệu đồng/lần. Thậm chí, các cán bộ đã phải đổ máu giữ rừng, cuộc chiến giữ rừng vẫn còn đầy cam go.

Anh Phạm Văn Cấp, phó ban Quản lý rừng Hữu Liên cho biết: "Lực lượng cán bộ ban thì mỏng, trong khi đó, cánh "lâm tặc" lại rất đông, chúng sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng bằng mọi giá, dưới mọi hình thức. Có đồng chí trong tổ giữ rừng khi truy bắt một đối tượng đang khai thác gỗ lậu đã bị thương. Bị bắt giữ, tên "lâm tặc" đã chống trả bằng cách quay lại, vì phòng vệ, đồng chí ấy đã phải nổ súng và bị thương nhẹ. Tên "lâm tặc" này dọa sẽ kiện anh em chúng tôi. Hắn liên tục nhắn tin đe dọa.

Được biết, tên "lâm tặc" này đã bị nghiện ma túy nặng, nên không có gì hắn không dám làm. Chúng tôi đã nhiều lần đến nhà tên "lâm tặc" này để làm công tác vận động đả thông tư tưởng, hòa giải và "đền bù". Mãi sau, tên "lâm tặc" này mới thôi dọa cán bộ".

Theo thông tin từ ban Quản lý rừng, giữa lực lượng chức năng và "lâm tặc" thường xuyên diễn ra những cuộc truy đuổi đẫm máu. Mặc dù những vết thương trên cơ thể anh Phạm Văn Mẫn đã lành nhưng những ám ảnh về việc bảo vệ rừng vẫn nguyên vẹn.

Hồi cuối năm 2010, anh bị "lâm tặc" tấn công khi đang làm nhiệm vụ. Lúc đó, tổ tuần tra gồm 5 người xuyên rừng, đến địa điểm cách thôn Lân Trầm (xã Hữu Liên) khoảng 2km thì phát hiện một nhóm "lâm tặc" đang chặt phá gỗ rừng. Anh cùng với tổ tuần tra bảo vệ rừng đã triển khai vây bắt và lập biên bản tịch thu phương tiện.

Tuy nhiên, những đối tượng này giả vờ chấp thuận rồi bất ngờ lia chiếc cưa máy đang gầm rú về phía đội tuần tra. Cú lia đó đã làm anh Mẫn đứt hết gân tay, ngoài ra anh còn bị đối tượng này dí chiếc cưa máy đang gầm rú vào ngực khiến anh bất tỉnh. Anh Mẫn bị mất vĩnh viễn 30% sức khỏe.

Xã hội - Đổ máu giữ rừng (Hình 2).

Những chiếc xe cửu vạn gỗ lậu bị thu giữ tại trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng.

Được biết, anh Mẫn là người hiền lành, là trụ cột trong gia đình, phải nuôi cha mẹ già và em nhỏ. Gánh nặng đè lên vai anh Mẫn. Từ hôm bị "lâm tặc" hành hung, sức khỏe anh đã giảm sút nghiêm trọng.

Trong khi các anh em cùng tổ tuần tra bảo vệ rừng đã có biên chế thì anh Mẫn vẫn chỉ là cán bộ hợp đồng, các chế độ ưu đãi cũng thua kém các anh em khác. Công việc gian nan vất vả, có khi phải đổi bằng máu để bảo vệ rừng nhưng anh Mẫn vẫn chỉ được nhận mỗi tháng 2 triệu đồng tiền lương...

Các anh em trong ban Quản lý vẫn kể cho nhau nghe về cuộc truy bắt "lâm tặc" của anh Trường (tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng), để chia sẻ với nhau những hiểm nguy mà các anh phải đối diện hàng ngày.

Chuyện rằng: Anh Trường cùng anh Tuyến đi tuần tra rừng thì thấy rất đông "lâm tặc" đang khai thác gỗ lậu. Thấy lực lượng kiểm lâm, "chim lợn" hú to làm tín hiệu cho "lâm tặc" chạy trốn.

Ngay lập tức, tiếng cưa máy đồng loạt tắt, cánh "lâm tặc" hò nhau vác cưa bỏ chạy sang bên kia sườn núi. Khi thấy "lâm tặc" bỏ chạy, các anh bám theo những vách đá dựng đứng và truy đuổi. "Lâm tặc" thấy chỉ có hai người đuổi theo nên chúng đã quay lại buông lời thách thức. Chúng hò nhau ném đá xuống để ngăn tổ cơ động đuổi theo. Cuộc rượt đuổi kéo dài và căng thẳng đến mức anh Trường phải bắn chỉ thiên cảnh cáo. Nghe thấy tiếng súng, cánh "lâm tặc" mới hò nhau bỏ chạy…

Máu rừng vẫn chảy

Trước tình hình phức tạp ở "cung đường gỗ lậu" và sự liều lĩnh của "lâm tặc", lực lượng ban Quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Được biết, công việc của ban Quản lý rừng rất khó khăn và nguy hiểm nhưng tiền lương thì thấp, quần áo tư trang cũng thiếu thốn, nhất là trang thiết bị phục vụ công việc. Đầu năm vừa rồi, ban Quản lý đề xuất mua 8 khẩu súng bắn hơi cay nhưng đến nay vẫn chưa được cấp trên chấp thuận.

Ngày ngày, các anh phải đối mặt với "lâm tặc"; thậm chí, "lâm tặc" còn mai phục cả cán bộ quản lý sau những thung lũng để bao vây, chặn đánh nhằm dằn mặt. Nhiều người coi công việc bảo vệ rừng ở đây như một nỗi khiếp đảm, có người đến làm được một thời gian, sợ nguy hiểm nên đã tìm cách chuyển đi nơi khác thuận lợi hơn.

Xã hội - Đổ máu giữ rừng (Hình 3).

Số lượng gỗ được thu giữ tại hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng.

Ngoài ra, công tác bảo vệ rừng nơi đây còn gặp muôn vàn khó khăn khác. Mặc dù địa điểm của ban Quản lý rừng và trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ cách nhau mấy cây số nhưng việc phối hợp truy bắt "lâm tặc" không hề đơn giản, vì không có sóng điện thoại. Khi thấy "lâm tặc" chở gỗ ra bìa rừng, lực lượng ban Quản lý lại không được phép bắt.

Vì khi đó, bắt "lâm tặc" thuộc về địa phận của kiểm lâm, nhưng cũng không có cách nào thông báo cho lực lượng kiểm lâm được. Có những lần, lực lượng ban Quản lý phát hiện nhiều đối tượng khai thác gỗ nhưng lại không có cách nào để báo các ban ngành khác cùng phối hợp vây bắt.

Anh Hoàng Văn Tuyến, cán bộ tổ tuần tra rừng cho biết: Từ đầu năm đến nay, ban Quản lý rừng Hữu Liên đã vây bắt được hơn ba chục máy cưa của "lâm tặc", với hàng chục đối tượng bị xử lý. Đã có rất nhiều vụ "lâm tặc" đánh trả cán bộ ban Quản lý rừng. Thậm chí, cách đây mấy tháng, "lâm tặc" còn tổ chức lực lượng lên đến 40 - 50 người bao vây cán bộ ban Quản lý để đánh và tạo cơ hội thuận lợi lấy lại cưa máy.

Ông Lương Long Hải, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết: "Chúng tôi cũng phối hợp với hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn để tiến hành vây bắt gỗ lậu.

Tuy nhiên, khi có những chiến dịch liên ngành tổ chức đợt truy quét, thì "lâm tặc" lại "nằm im bất động", thời gian sau đó, sực việc lại tái diễn. Năm 2012, hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng đã bắt giữ và tịch thu 62,7m3 khối gỗ các loại, tạm giữ 135 xe máy, 2 súng kíp và 15 cưa máy. Số lượng vi phạm đã giảm 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái...".

Rừng đã cạn kiệt

"Tình hình khai thác và buôn lậu gỗ đã diễn ra hơn 20 năm nay, gỗ rừng cũng gần cạn kiệt. Hiện nay, khi những cây gỗ nghiến đã hết, cánh "lâm tặc" lại vác cưa vào rừng săn lùng những cành cây, mẩu gỗ còn sót lại. Thậm chí, chúng còn đào xuống đất để có thể cắt những mẩu gỗ bị bỏ quên từ nhiều năm trước" - ông Lương Long Hải, hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng phân trần.

Thế Hoàng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.