Cá chép “đất Tổ” hút khách thập phương
Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, cứ vào dịp Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp), các gia đình lại làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, cá chép được thả ra như một “phương tiện giao thông” của ông Táo.
Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới, vì vậy người dân thường cúng tiễn bằng cá chép. Phục vụ nhu cầu của người dân cả nước, những ngày cuối năm, cả làng Thủy Trầm nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch cá.
Cứ mỗi độ 18-20 tháng Chạp, làng Thủy Trầm trở nên sầm uất hơn với những tiếng xe của thương lái từ khắp nơi đổ về giao dịch mua bán. Hàng đoàn xe tải, xe máy từ các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, đến các tỉnh ở miền Trung, miền Nam tìm về làng để thu mua cá. Cá chép đỏ Thủy Trầm được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng bởi có màu đỏ đậm và đẹp.
Gia đình bà Hạnh, một hộ nuôi cá nhiều nhất nhì của làng Thủy Trầm cho biết: “Nhà tôi theo nghề nuôi cá chép đỏ đã hơn 20 năm, mỗi năm xuất bình quân từ 2 đến 2,5 tạ cá vàng đỏ. Giá năm nay dao động 80.000-90.000 đồng/kg”.
Những ngày này, cả thôn Thủy Trầm tấp nập chuẩn bị cho những mẻ cá cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Mặc dù thời tiết đang đổ lạnh và xuất hiện những làn mưa lất phất, nhưng người dân làng Thủy Trầm vẫn lặn lội dưới bùn để vớt những mẻ cá cuối năm.
Cá chép đỏ sau khi được vớt từ ao lên, sẽ được tập kết tại những “lồ ép” (những bể cá xây bằng xi-măng) tại sân nhà, thuận lợi cho thương lái đến chọn cá và đóng gói để vận chuyển đi. Nhiều thương lái đã thành “mối quen”, đặt cá từ vài tháng trước để đảm bảo nguồn cung.
Một số địa phương khác như làng Tân Cổ (Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa), hay làng Kim (Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Nam Định)… cũng nuôi được cá chép đỏ, nhưng cá chép đỏ Thủy Trầm được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng nhất, do có màu sắc đỏ đậm, khỏe, đẹp và giá cả hợp lý.
Biết thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này vào dịp tháng Chạp nên nhiều hộ dân đã đầu tư thực sự và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi cá chép được bắt đầu từ tháng 6-7 âm lịch và chăm sóc đến tận tháng Chạp.
Bà Nguyễn Thị Thơm chia sẻ: “Ngay từ sau tháng 6 âm lịch hàng năm, gia đình đã bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Nhiều gia đình có điều kiện thường thích mua cá chép đỏ loại to từ 1-2 kg/con, có con hơn 2kg, thả phóng sinh, thả trong các ao tại đình chùa, nhà hàng, quán ăn ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh”.
Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người dân làng Thủy Trầm thành tâm chọn những chú cá chép đỏ đẹp và khỏe dâng cúng ông Công ông Táo, sau đó, thả lại về ao hồ làm giống cho mùa sau.
Từ làm kinh tế tự phát đến thương hiệu bền vững
Ông Nguyễn Chính Đức (70 tuổi), đại diện gia đình tiên phong trong việc nuôi cá chép đỏ tại làng Thủy Trầm cho biết: “Nhà tôi bắt đầu nuôi cá từ năm 1982, đến nay đã được 37 năm, hiện giờ cả làng chỉ có 3 nhà cung cấp cá giống nhưng hầu như cả thôn đều nuôi cá chép đỏ để cung cấp cho khách hàng cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời”.
Ông chia sẻ, mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình ông thu hoạch từ 7 sào nuôi cá chép đỏ, lãi được khoảng 60 triệu đồng. Năm “bội thu” nhất lãi khoảng 100 triệu đồng.
“Cứ độ từ 18-20 âm lịch, làng lại nhộn nhịp mua bán, mới đây, gia đình tôi đã tiếp 8 lượt khách, có khách mua nhiều, ô tô tải được 4-5 tạ”, bà Tâm, vợ ông Đức tiếp lời.
Ngay dịp đầu Xuân, gia đình ông đã nạo vét, tu sửa hệ thống ao để chuẩn bị cho kỳ nuôi cá mới. Cá giống thường được thả và bắt đầu chăm sóc từ 5-6 tháng trước kỳ thu hoạch. Cá đảm bảo chất lượng để bán thường phải đạt trọng lượng ít nhất 30-40 con/kg.
Theo ông Đức, từ năm 1982, gia đình ông khởi đầu nghề nuôi chép đỏ giống để xuất bán trên địa bàn, sau khi đem lại hiệu quả kinh tế, các hộ gia đình trong làng cũng học tập làm theo. Đến giữa năm 2011, làng nghề sản xuất cá chép đỏ thôn Thủy Trầm chính thức được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận.
Để tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy làng nghề phát triển, trong năm 2017, dự án “Tạo lập, quản lý và xây dựng nhãn hiệu tập thể cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì cùng sự phối hợp của UBND huyện Cẩm Khê đã được khởi động. Niềm vui được nhân lên khi cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập “Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp” với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và con cá chép đỏ nói riêng.
Theo ông Bùi Đình Trữ - Trưởng làng nghề cho biết: “Nghề nuôi cá chép đỏ trước kia chỉ tập trung ở làng Thủy Trầm nhưng nay đã nhân rộng ra nhiều nơi trong xã. Nghề này cũng không quá vất vả bởi cá chép đỏ ăn đúng giờ với thức ăn đơn giản từ bột ngô nghiền. Thu nhập bình quân của những hộ nuôi cá trong làng cũng khoảng vài chục triệu đồng/năm”.
Chính vì nghề nuôi cá chép đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn ô, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng. Khu 3 Thủy Trầm là nơi tập trung nhiều ao nuôi cá chép đỏ nhất xã Tuy Lộc.
Người dân Thủy Trầm chăm sóc và cho cá ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không sử dụng những loại cám kích thích khác. Cá cúng ông Công, ông Táo phải khỏe, đẹp, đỏ rực cả khi mang đi các địa phương khác. Giống cá chép đỏ này có nguồn gốc Nhật Bản, phù hợp với điều kiện thủy nhưỡng tại đây nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Cá chép đỏ đã xuất hiện tại làng Thủy Trầm được gần 40 năm. Điều đáng nói là qua thời gian, người dân trong làng đã tự tìm chọn những con cá đẹp và khỏe để nhân giống, chủ động và đảm bảo được nguồn cung cá bột tại địa phương.
Nuôi cá chép đỏ đối với người dân làng Thủy Trầm xưa kia chỉ là gắn với tâm linh, ngày nay, nét văn hóa ấy vẫn còn song nó còn gắn với phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Vì vậy, những năm gần đây, người nông dân ở Thủy Trầm đã bắt tay vào cải tạo ao đầm để quy hoạch và khoanh nuôi cá chép.
Ông Trương Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc chia sẻ: “Trước đây người dân nuôi các loại cá trắm, trôi, rô phi... nhưng không đem lại hiệu quả cho đến khi người dân tìm thấy giống cá chép đỏ phục vụ cho dịp lễ ông Công, ông Táo.
Toàn xã Tuy Lộc hiện có khoảng 67ha nuôi thả cá, chủ yếu tập trung ở làng Thủy Trầm. Hàng năm, người dân cung ứng từ 7-8 tấn giống cá các loại cho thị trường. Bán cá giống và cá trưởng thành đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương”.
Thu Huyền - Thủy Tiên