Đồ thủ công mỹ nghệ Việt đang bị 'Trung Quốc hóa'?

Đồ thủ công mỹ nghệ Việt đang bị 'Trung Quốc hóa'?

Thứ 5, 10/11/2016 16:04

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sự mai một của nhiều làng nghề truyền thống dẫn tới một thực tế là đồ thủ công mỹ nghệ mất đi hồn cốt của nó. Và dù nó gắn mác Việt nhưng lại không thuần Việt.

Việt Nam hiện có khoảng 2000 làng nghề truyền thống, gắn liền với văn hóa từng vùng miền, khu vực. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, phong phú, độc đáo đã tạo sức hút với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sự mai một của nhiều nghề truyền thống dẫn tới các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng mất đi hồn cốt của nó. Điều này kéo theo một thực tế khác là đồ thủ công mỹ nghệ Việt nhưng lại không mang tinh thần Việt.

Có thể nói đây là xu hướng đang rất phổ biến trên thị trường. Nó không chỉ diễn ra ở khâu quảng cáo sản phẩm mà ở ngay tại các làng nghề truyền thống. Sự cộng hưởng liên tục ở cả khâu sản xuất lẫn dịch vụ đã khiến cho nhiều người Việt ngộ nhận những sản phẩm lai tạp đó là di sản của cha ông chúng ta.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ một câu chuyện buồn: “Tôi từng nhiều lần đi thực tế xuống làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), làng gỗ Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) … và nhận ra rằng, hầu hết các cửa hàng ở đây đều sản xuất theo đơn đặt hàng của Trung Quốc (tất nhiên là họ sản xuất theo mẫu mã, hoa văn … Trung Quốc).

Văn hoá - Đồ thủ công mỹ nghệ Việt đang bị 'Trung Quốc hóa'?

 Làng gốm Bát Tràng giờ chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài?

Tôi tự hỏi tại sao nghệ nhân của chúng ta có tay nghề rất cao nhưng lại chỉ đi làm thuê cho họ? Đem câu hỏi này hỏi những nghệ nhân làng Bát Tràng thì được biết, nếu họ sản xuất theo phương pháp và mẫu mã truyền thống thì không có nhiều người mua. Vì thế nhiều làng nghề truyền thống hiện nay chỉ còn cái vỏ, thực tế họ giờ chuyển sang làm gia công cho nước ngoài nên dấu ấn Việt trên sản phẩm dĩ nhiên là không có”

Nhà thiết kế nội thất Cao Lâm thì tâm sự: “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chúng ta hiện nay tuy sản xuất ở các làng nghề truyền thống nhưng nhiều sản phẩm lại mang đậm phong cách Trung Quốc. Điển hình trong số này phải kể đến làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Tôi từng hỏi các nghệ nhân ở đây tại sao không sản xuất những sản phẩm mang dấu ấn Việt? Họ trả lời là giờ đây họ chỉ sản xuất theo mẫu đặt sẵn của Trung Quốc và họ không biết làm những sản phẩm mang tinh thần Việt như thế nào. 

Khi tôi ngỏ ý sẽ hỗ trợ về mặt thiết kế để các nghệ nhân có thể làm ra các sản phẩm thuần Việt hơn thì họ tặc lưỡi là làm ra chắc gì đã bán được. Những mẫu mã, họa tiết ở đây giờ đều được sản xuất theo khuôn có sẵn và mang phong cách Trung Quốc. Vậy đó, tâm lý thờ ơ với giá trị văn hóa dân tộc và sự thụ động trong tìm tòi, cải biến giá trị văn hóa đang trở thành một rào cản để những sản phẩm mang tinh thần Việt lên ngôi”

Văn hoá - Đồ thủ công mỹ nghệ Việt đang bị 'Trung Quốc hóa'? (Hình 2).

Bức Trấn Phong được các nghệ nhân phục dựng theo phong cách nhà Lê

Trong khi đó, anh Trần Thanh Tùng, Chủ tịch hội quán di sản đề cập tới một thống kê đáng buồn khác. “Bây giờ chỉ cần lên mạng gõ từ khóa: đồ gỗ cổ Việt Nam hoặc nội thất Việt, chúng ta sẽ nhận được hơn 2 triệu kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên nếu mọi người nhìn vào những hình ảnh xuất hiện kèm theo thì tất cả đều không phải là đồ gỗ cổ Việt Nam và nội thất Việt. Chúng có thể mang phong cách thuần Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu hoặc pha tạp mỗi nơi một tý. Nhưng chắc chắn đó không phải là tinh thần, cảm hứng Việt".

Chính câu chuyện nêu trên đã dẫn tới một câu hỏi nhức nhối khác. Đó là bản sắc Việt trong đồ thủ công mỹ nghệ nằm ở đâu? Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh quảng bá văn hóa dân tộc thông qua du lịch thì đồ thủ công mỹ nghệ được coi là một kênh quan trọng. Nhưng làm thế nào để đưa tinh thần Việt vào đó lại là vấn đề khác?

Còn nhớ cách đây nửa tháng, Ban tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu quà tặng cho du lịch Hà Nội đã chọn tác phẩm Ngọn lửa rồng đoạt giải nhất. Tuy nhiên kết quả này vấp phải ý kiến phản đối của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi cho rằng nó giống “quái vật 3 đầu” hơn là biểu tượng cho du lịch Hà Nội. Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang chế biến di sản một cách tùy tiện và tác phẩm được lựa chọn không biểu đạt gì cho tinh thần Việt.

Chỉ một ví dụ nhỏ này thôi cũng đủ nói lên thực tế, chúng ta hiện nay đang rất thiếu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn Việt.

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.