Mới đây, UBND TP Vinh ban hành quy chế tuyển dụng kèm theo quyết định số 2726 về việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đào tạo thành phố Vinh.
Tuy nhiên, bất ngờ là trong quy chế trên còn đưa ra tiêu chuẩn: Đối tượng xét tuyển là sinh viên hoặc những người hợp đồng lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đúng chuyên ngành trở lên nhưng "tuổi đời không quá 30".
Tiêu chí này khiến nhiều giáo viên không đồng tình và cho rằng TP Vinh đã làm khó giáo viên, đặc biệt là những giáo viên đang dạy hợp đồng và chờ có cơ hội để được tuyển dụng vào viên chức.
Các giáo viên tại TP Vinh, đặc biệt là các giáo viên đang dạy hợp đồng bày tỏ băn khoăn với quyết định này bởi trong thực tế nghề dạy học cần người có năng lực và đạo đức, độ tuổi không quá quan trọng. Độ tuổi trên 30 vẫn còn rất nhiều thời gian để cống hiến.
Tiêu chuẩn này còn gây thiệt thòi cho nhiều giáo viên trên 30 tuổi có nguyện vọng được vào biên chế.
Vậy, Luật Viên chức quy định thế nào về độ tuổi tuyển dụng viên chức?
Điều kiện mới nhất để được tuyển dụng viên chức
Căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập để tuyển dụng viên chức. Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Trong đó, để được thi tuyển viên chức bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010. Cụ thể như sau:
- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.
- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Riêng các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự thi có thể thấp hơn 18 nhưng bắt buộc phải từ đủ 15 tuổi trở lên và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (Điều 1 Thông tư 15/2012/TT-BNV);
- Có đơn đăng ký dự tuyển.
- Có lý lịch rõ ràng.
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm. Hiện nay, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 161 năm 2018 của Chính phủ, loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập không còn bị phân biệt nữa.
- Có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
Đồng thời, tùy theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định mà cần phải đáp ứng thêm các điều kiện khác. Tuy nhiên, những điều kiện này không được trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, những người tham gia thi tuyển cũng không thuộc một trong các đối tượng bị cấm đăng ký dự tuyển viên chức sau đây:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Như vậy, để được đăng ký tuyển dụng vào viên chức, Luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu để đăng ký dự tuyển viên chức mà không quy định độ tuổi tối đa. Trường hợp thỏa mãn các điều kiện dự tuyển nêu trên thì được đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển.
Khi nào tổ chức thi tuyển và xét tuyển viên chức?
Theo đó, tại Điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, việc quyết định tuyển dụng viên chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển được quy định như sau:
- Với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ: Người đứng đầu thực hiện việc tuyển dụng, quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
- Với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển;
- Với tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ: Người đứng đầu các tổ chức sự nghiệp này quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Đặc biệt, hàng năm, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định để tổ chức thực hiện.
Có thể thấy, việc thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Hoàng Mai