Đồ vật cũ

Đồ vật cũ

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 2, 10/10/2022 15:00

Trong ngôi nhà nhỏ của tôi có nhiều đồ vật cũ của ông bà nội. Lý do thật giản dị, bởi suốt thời thơ ấu, những đồ vật cũ ấy là một phần trong đời sống của tôi.

Hai thứ tôi thích nhất là chiếc hộp gỗ thông và tràng hạt. Hồi còn sống, ông dùng chiếc hộp ấy để đựng thuốc cao huyết áp. Trên thân hộp, những con chữ đầy sống động, vết tích của ông tôi: "3/11/2006, mua pin đo huyết áp; nạp bình ga ngày 19/11/2007". Gần tôi nhất, năm 2007, cái bếp gas khi ông mất rồi, bình gas vẫn đun được mấy tháng nữa và đến giờ vẫn còn dùng được. Ông tôi đã sống với bệnh cao huyết áp chừng 20 năm. Người rất điều độ và tập luyện bền bỉ. Còn chuỗi tràng hạt là của bà tôi, bà thường đeo mỗi khi đi chùa, lúc về bà lại treo lên cột gỗ nhẵn bóng ở đầu giường.

Ông nhiều mồ hôi lắm, mùa hè thường cởi trần hoặc mặc áo may ô trắng, trên cổ luôn vắt chiếc khăn mặt. Nhớ hồi ông đèo tôi bằng chiếc xe đạp ska, là quà của chú tôi đi Tiệp gửi về biếu ông, đến sông Đồng Khởi tôi đút chân vào đũa xe, chảy máu. Vết sẹo ở gót chân giờ vẫn mờ. Lưng ông có nốt ruồi thịt rất to, hồi nhỏ tôi thường sờ vào và lắng nghe những câu chuyện cổ tích ông kể, nhớ nhất là chuyện "Nhà và Gạo". Ông ở rất sạch. Mỗi khi tôi đun bếp rơm, ông hay nhắc: "Cháu đun xong phải quét bếp gọn gàng, không ai đi qua lại bảo ông không biết dạy cháu"...

Bác tôi mất năm 2005 vì điện giật. Ông không sang được vì tuổi cao và bệnh tật. Ngày lo ma cho bác, ông đóng chặt cửa, không bật tivi và khóc. Khi thấy người yếu, ông gọi bố tôi vào và bảo, chỉ tuần nữa là ông đi. Thế mà ông đi thật. Người mặc chiếc áo lụa vàng tôi may tặng trong lễ mừng thọ cuối cùng của đời. Ông về trời năm 89 tuổi. Ai đến thăm ông cũng biết, ngày cuối không nói được, ông chỉ ra hiệu bằng gật đầu, lắc đầu. Trước lúc lâm chung, ông vẫn tỉnh táo. Mọi người bảo ông tôi chết tiên.

Bà không khóc trước cái chết của ông. Nhưng tôi nhớ mãi, khi tôi hỏi bà: "Bà có nhớ ông không?", bà bảo:" Không, chỉ thương ông ấy, lúc ngồi ăn ở phản, bà mắng là thế mà chẳng nói gì. Giờ người cũng chẳng còn để bà mắng nữa". Thương yêu của người già thật lạ.

Còn bà tôi, những năm cuối đời, bà cắt tóc rất ngắn để tiện cho việc sinh hoạt. Nhưng, tôi thích ngắm ảnh bà đội khăn mỏ quạ. Người rất đẹp và hiền từ. Khi bà mất, tôi muốn giữ lại chiếc cối trầu nhưng không được. Nó đã được liệm theo bà. Tôi giữ lại tràng hạt của bà. Bà thường đeo nó khi đi chùa. Dù bà tôi không hay đi chùa nhưng khi tôi nghịch ngợm, bà thường quở: "Đừng làm thế, phải tội, con".

Tuổi thơ tôi trôi đi trên cái gác ba ga xe đạp của ông và trên lưng bà. Dù bà bảo: "Gớm, nặng như cái cối đá lỗ", ấy là bà mắng yêu cháu nội, nhưng đi đâu bà cũng cõng tôi trên lưng. Có bận đi ăn cỗ với bà, ngủ lại ở nhà đám, nửa đêm tỉnh dậy, tôi co rúm người lại vì nhìn thấy bình rượu rắn ở gầm tủ chè. Tôi tưởng ra lũ rắn khúc đen, khúc trắng túa ra từ cái bình to vật, bò khắp sàn nhà, quấn chặt cổ tay tôi, da chúng cọ vào ram ráp, lưỡi thè lè ra như con trăn tinh trong truyện “Thạch Sanh” mà ông thường kể. Sợ quá tôi thức đến sáng...

Bà tôi quê ở làng Phượng Hoàng, thuộc Hải Dương. Dù rất gần về địa lý nhưng đường về quê phải qua con sông. Lần nào lẵng nhẵng bám theo bà, tôi cũng thích thú với những chuyến đò. Người lái đò ngang cong mình đẩy cây sào cắm sâu dưới nước. Đò đi rất xa, nước sông trong vắt nhìn rõ cả những khóm rong tóc tiên. Nhà cửa, cây cối hai bên bờ sông bày ra trước mắt tôi lấp lóa như thể một vòm cổ tích thần kì. Cập bến rồi, đến nỗi khi bà kéo tay, tôi vẫn còn ngẩn ngơ. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu đò giang là cách trở là đầy những rủi ro tiềm ẩn:

"Con ơi mẹ dặn câu này

Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua".

Để rồi, tôi mới thấu nỗi nhớ quê trong bà vời vợi sau những tiếng thở dài của người già. Cái làng Phượng Hoàng xa ngái ấy chắc lúc nào cũng vơi đầy giữa giấc ngủ của bà? Hồi tôi học mẫu giáo, đi chợ, lúc quay về, bà rẽ vào khu tập thể bệnh viện Thứa đón tôi. Bà đặt tôi ngồi vào một bên quang gánh, bên kia là một hòn đá to và lỉnh kỉnh hàng hóa. Tôi ngồi trong thúng, một tay bám vào quang chành, tay kia vẫn đưa quà vào miệng lèm lèm.

Văn hoá - Đồ vật cũ

Tuổi thơ của tôi đã êm đềm trôi trên cái gác ba ga xe đạp của ông và trên lưng bà.

Năm 1981, ông bà mới xây nhà. Khung nhà bằng gỗ khắc những chữ đen viền đỏ, nom như những chữ trong bộ bài tam cúc, tôi nhìn lên đó và hỏi: “Ông ơi chữ gì kia ạ?” Ông chậm rãi: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư - Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Làm người phải biết kính trọng thầy, phải biết lấy chữ làm căn cốt con nhé”. “Ông ơi, căn cốt là gì ạ?”, “Lớn lên con sẽ hiểu” - ông hiền từ đáp.

Tôi nhớ mái nhà tranh cũ kĩ gội mưa nắng bạc phếch, bên hiên có cái cối đá rất to, bà thường giã cua, giã lạc nấu mướp. Tôi thích nhất khi bà giã vừng, cuối cối cho vào đó bát cơm nóng giã lẫn vừng dính cối, ăn rất dẻo và bùi. Mùa hè, bà thường trải tấm nilông xanh xuống nền đất ngủ cho mát. Còn mùa đông bà lót ổ rơm, tôi ngủ trong giấc ấm áp. Đến giờ, tôi chẳng bao giờ có được những giấc say như thế.

Tết năm nào tôi cũng thức bên nồi bánh cùng ông bà. Đến khuya vớt bánh, thế nào tôi cũng được phần chiếc bánh nhỏ nhất. Vì sự chiều chuộng này của ông bà mà hồi 5 tuổi tôi từng ôm một gói xôi rất to chụp ảnh. Tấm ảnh ấy bây giờ vẫn còn... Giao thừa nào bà cũng cúng tổ tiên bằng món chè kho dẻo quánh, ngọt lừ nấu bằng đậu xanh với đường hoa mai. Còn ông thì có nhiệm vụ gọi tôi dậy lúc sang canh. Ông đốt một bánh pháo nhỏ, sau đó trịnh trọng bóc mứt và mừng tuổi cho tôi. Sáng mùng Một, tôi được rửa mặt bằng nước lá mùi già. Ông bà dặn không được đi xông nhà khác, kẻo dông cả năm. Rồi ông lại đốt một bánh pháo đỏ. Xác pháo đầy sân, mùi khen khét và thơm.

Thế rồi, bà tôi buồn hẳn sau ngày ông về trời. Những buổi chiều đi ngang qua cửa, bà hay ắng lặng, tấm lưng như sụp hẳn xuống vai trĩu ưu tư. Dáng ngồi của bà càng khắc sâu trong tôi nỗi nhớ ông .

Rồi một bận, bố tôi và cô tôi vào Nam dự đám cưới em Lại, con út của chú tôi, buổi sáng ấy, khi chuẩn bị lên xe về nhà, bà níu tôi lại: "Con ơi! Ở với bà kẻo lần sau sang chẳng gặp được bà nữa đâu". Cứ nghĩ đó là lời lẫn của người già, tôi đâu ngờ đó lại là linh tính của bà về ngày vĩnh biệt. Bà theo ông trong một ngày bão tan. Khi ngồi trang điểm cho bà, tôi thấy mặt bà lạnh như đá. Lúc ấy, tôi mới hiểu rõ hơn bao giờ hết sự khác biệt giữa sự sống và cái chết…

Ôi ký ức về ông bà cứ sống động trong tôi. Đến nỗi, có lần trở về, tôi vẫn tưởng ra ông ngồi trên phản, tấm lưng rộng, hơi gù, mắt đeo kính, đọc báo. Còn bà thì lần nào cũng muốn tôi nhai trầu và gãi lưng cho. Tấm lưng gầy guộc ấy đã chở miền tuổi thơ tươi đẹp của tôi đi qua những tháng ngày ngây dại nhất. Giờ trở về nhà, đâu thấy ông bà nữa...

Đêm nay, cuối thu, gió se se, tôi trằn trọc trong miền kí ức ngổn ngang, sống động. Đã sắp bước qua tuổi 46 rồi mà sao nỗi nhớ ông bà vẫn khiến tôi có cảm giác mình chỉ như một đứa trẻ bơ vơ...

Có những ngày, mệt nản, trở về nhà, trong căn phòng nhỏ của mình, ở chiếc tủ góc màu nâu, tôi nhìn cái hộp gỗ thông và tràng hạt. Những đồ vật chứa bao câu chuyện về ông bà nội. Giữa bóng tối đang đầy dần, chiếc hộp gỗ thông và chuỗi hạt giống như ông tôi đang ngồi nheo nheo mắt đọc báo và bà tôi bỏm bẻm nhai trầu. Những đồ vật cũ như có linh hồn, khiến tôi có cảm giác được nhìn thấy ông bà mỗi ngày.

NGUYÊN TÔ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.