Đo váy giáo viên

Đo váy giáo viên

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 4, 06/09/2017 06:29

Phản ứng của số đông trước quy định cấm giáo viên nữ mặc váy của một trường THPT ở Hà Tĩnh cho thấy, những quan niệm cũ kỹ, lối tư duy áp đặt vẫn còn rất nhiều đất sống.

Đa chiều - Đo váy giáo viên

Trường THPT Lý Tự Trọng có văn bản cấm cô giáo mặc váy. (Ảnh: Dân trí).

Những người phụ nữ ít khi chọn quần tây do sợ bị lộ khuyết điểm cơ thể hoặc đơn giản do thích mặc váy hơn có thể thở phào nhẹ nhõm vì mình… không phải là thành viên của trường THPT Lý Tự Trọng (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Thật vậy, trong bản nội quy mà nhà trường đề ra năm học 2017-2018 có quy định cụ thể về trang phục của giáo viên nữ như sau: “Quần tây, áo có cổ bẽ, không mặc áo bó quá sát người, vải quá mỏng, không mặc váy khi tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh, dày hoặc dép phải có quai hậu".

Có thể nói, chi tiết “không mặc váy” đã làm lu mờ những lỗi chính tả trong văn bản trên và nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Những tưởng, số đông sẽ lắng nghe và ủng hộ nguyện vọng được “mặc váy công sở” khi giảng dạy của các cô giáo. Nhưng không, phần lớn ý kiến cho rằng quy định này hoàn toàn phù hợp với môi trường sư phạm, giúp các em học sinh nâng cao khả năng tập trung và kết quả học tập?! Một số người tỏ ra có tinh thần xây dựng hơn khi yêu cầu nhà trường bổ sung quy định về độ dài – ngắn, rộng – chật của chiếc váy.

Đa chiều - Đo váy giáo viên (Hình 2).

(Ảnh minh họa: Internet).

Về nguyên nhân cấm các cô giáo mặc váy, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lý Tự Trọng nói rằng: “Không có luật nào quy định cấm giáo viên mặc váy đến trường nên nhà trường chỉ cấm giáo viên mặc váy khi lên lớp có học sinh. Vì bàn giáo viên không có chắn ngang nên nếu mặc sẽ gây phản cảm, thu hút sự chú ý của học sinh".

Tôi hiểu, mặc váy (nói chung) là đẹp hay phản cảm còn phụ thuộc vào gout thẩm mỹ của mỗi người. Vả lại, bất cứ bộ trang phục nào cũng có thể trở nên phản cảm nếu người mặc cẩu thả, thiếu tinh tế hoặc gặp phải người nhìn sở hữu lối tư duy không bình thường, thích thả trí tưởng tượng bay xa.

Nhưng thật lạ lùng khi người ta không nghĩ đến việc lắp thêm tấm chắn hay đơn giản hơn là phủ khăn trải bàn trước tiên thay vì mất công ép một người trưởng thành phải ăn mặc theo ý họ. Và thật lạ lùng, khi cộng đồng mạng không quan tâm đến phương pháp, kỹ năng dạy học mà lại nhọc lòng đo váy giáo viên… Hóa ra, không chỉ các paparazzi, mobirazzi (tay săn ảnh bằng điện thoại) mới quen “hạ thấp” điểm nhìn.

Chắc chắn, những người đứng trên bục giảng không thể mãi mơ hồ, mãi loay hoay điều chỉnh hành vi, cử chỉ, lời nói, trang phục… sao cho phù hợp. Bởi luôn có cả trăm cặp mắt phía dưới dõi theo và sẵn sàng phản ứng khi họ hớ hênh, mắc lỗi.

Dĩ nhiên, phản ứng như thế nào còn phụ thuộc vào góc nhìn và văn hóa của các em!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.