Nam, phụ, lão, ấu cùng... thử sức
Theo lời kể của các học viên, tại khóa học "Phòng vệ thông minh" - kỹ năng đu dây thoát hiểm khỏi cao ốc cháy tại Đại học Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, các chuyên gia đưa ra tình huống giả định tầng 4 và 5 của tòa nhà bị cháy, người lớn và trẻ em thậm chí cả người già buộc phải thoát hiểm bằng xe thang và đu dây cáp để xuống đất.
Nhiều em nhỏ lại thấy thú vị với khóa học phòng vệ.
Học viên Thanh Hằng cho biết, năm ngoái, cô mua một căn hộ chung cư ở nhà 34T thuộc khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tuy nhiên, khi về đó ở được thời gian ngắn, khu chung cư đã xảy ra vụ cháy khiến các hộ dân ở đây được phen hoảng hồn.
Sau vụ cháy, cô luôn nơm nớp sống trong lo sợ. Khi biết tin có khóa học "Phòng vệ thông minh", Hằng háo hức tham gia. Hằng chia sẻ, ở lớp học này rất nhiều phụ nữ, trẻ em tham gia. Tuy nhiên, sau phút đầu háo hức, nhiều người bắt đầu sợ hãi khi đứng trên bục cửa chuẩn bị đu theo dây.
Hằng cũng không tránh khỏi cảm giác như "diễn xiếc" trên không. Hằng bảo rằng, với cô đó là lớp học trải nghiệm thực tế khá bổ ích. Điều đặc biệt, Hằng đã hiểu được tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy và ý thức cảnh giác khi xảy ra hỏa hoạn.
Một chuyên gia đào tạo chia sẻ: "Phương pháp mà chúng tôi đem đến cho học viên là càng cố gắng hài hước càng tốt, diễn đạt trên mọi phương diện để thông qua đó, mọi người hứng thú tập trung hơn vào công việc, cũng như có tinh thần thoải mái để tiếp thu. Những kiến thức này cũng không cao siêu gì cả, mà là những kiến thức cơ bản, tất cả mọi người đều phải biết và rất dễ sử dụng nếu như chúng ta tự tin và đầy đủ sức khỏe".
Vị chuyên gia này cũng cho biết, sau buổi trải nghiệm, toàn bộ học viên được cấp giấy chứng nhận Phòng vệ thông minh. Đây là khóa học trải nghiệm duy nhất ở Việt Nam về phương pháp thoát nạn trong những trường hợp khẩn cấp.
Đổ xô đi mua thang thoát hiểm
Xu hướng sắm đồ thoát hiểm dự phòng Theo lời kể của cô Hòa, sau khi tham gia khóa học "Phòng vệ thông minh", vợ chồng cô đã đặt mua dây thoát hiểm Autoland xuất xứ từ Hàn Quốc (thiết bị này có giá gần 3 triệu đồng) và thử nghiệm thiết bị mua về. "Với dây thoát hiểm, người bị nạn chỉ việc treo móc an toàn vào vật kiên cố ở cửa sổ hay ban công và ném lô cuốn dây xuống mặt đất ở ngoài tòa nhà để dây an toàn được nhả ra. Sau đó thắt dây an toàn vào nách, cài móc an toàn cho vừa đủ chặt và từ từ trượt xuống", cô Hòa nói. |
Tại một số tuyến phố bán đồ bảo hộ phòng cháy chữa cháy như Lê Duẩn, Yết Kiêu, Hoàng Quốc Việt..., bên cạnh thang dây thoát hiểm, nhiều người còn đặt mua các loại bình cứu hỏa, thiết bị phòng chống cháy nổ như mặt nạ chống khói độc (SP52) thiết kế chụp kín mũi, miệng.
Cô Nguyễn Thái Hòa (khu đô thị Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết, hầu hết các khu nhà cao tầng hiện nay đều có hệ thống phân phối gas cho các hộ gia đình. Đây có thể chính là nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn.
Thêm vào đó, cầu thang thoát hiểm tại các khu nhà cao tầng cũng không phải khu nào cũng đúng chuẩn. Khi xảy ra sự cố, cầu thang an toàn phải là nơi ngăn không cho lửa cháy vào, có đủ không khí và ánh sáng để người dân chạy xuống đất an toàn. Vì thế mà, nhiều vụ cháy đã từng xảy ra làm người dân hoang mang, chạy toán loạn mà không biết ứng phó thế nào.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường rao bán rất nhiều loại thang dây thoát hiểm, thang dây phòng cháy chữa cháy thoát nạn dùng cho khách sạn, nhà chung cư... Anh Tuấn - nhân viên đại lý chuyên cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy (Trung Kính, Hà Nội) quảng cáo, thang dây thoát hiểm là hàng ngoại nhập.
Chất liệu được làm từ sợi bạt, có chất liệu siêu bền, móc mạ niken, kẽm chống gỉ, trục thang là hai dây bản bằng sợi tổng hợp, hai khóa đầu trục thang để móc vào vật cố định chịu tải trọng. Điều đặc biệt, thử tải mỗi bậc thang 300 kg nhưng không bị biến dạng. Kết cấu gọn nhẹ, có thể cuốn lại để bảo quản, dễ dàng di chuyển... Những sản phẩm thang dây thoát hiểm có giá dao động từ 3- 10 triệu đồng.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm, có những loại thang dây thoát hiểm chịu lực lên tới 1, 7 tấn và có độ dài bất kõ, nhưng do phải tụt theo nấc thang nên khả năng thoát hiểm không được nhanh. Do vậy, thường chỉ các tòa nhà dưới 8 tầng là đặt làm loại thang thoát hiểm trên.
Với những tòa nhà cao tầng hơn, trong tình huống khẩn cấp phải dùng dây dù rồi trượt xuống bằng đai an toàn. Loại dây dù cùng đai an toàn cũng được nhiều khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại lựa chọn.
Ngân Giang