Thời gian qua, báo Người Đưa Tin đăng tải loạt bài "Sự thật ở bitkingdom, nơi cho 10 triệu sau 9 tháng nhận… 80 triệu!", "Học hết lớp 1 cũng đầu tư tài chính qua mạng bằng tiền ảo!", "Sự thật ở sàn giao dịch ngồi chơi cũng được 365% tiền lãi/năm" phản ánh về thủ đoạn mở sàn giao dịch tiền ảo bitcoin thu hút người chơi theo hình thức đa cấp.
Đặc biệt, các nạn nhân đều lo lắng, liệu họ có thể lấy lại được tiền đã đầu tư vào đây?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý để giải đáp thắc mắc này.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc công ty luật Quốc tế Thiên Việt khẳng định: “Bitcoin không được coi là một loại tiền hay hàng hoá, hoặc giấy tờ hợp pháp tại Việt nam. Do vậy, mọi giao dịch liên quan đến việc bảo đảm giá trị giao dịch không được pháp luật bảo hộ.
Các giao dịch này là giao dịch chui. Có thể nói, đây là một hình thức biến tướng mới của kiểu chơi hụi với đồng tiền ảo. Do không được pháp luật bảo vệ nên các giao dịch này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trường hợp bị đổ bể, khả năng lấy lại tiền của các cá nhân đầu tư gần như bằng không và nếu có nhờ cơ quan pháp luật can thiệp thì cũng vẫn sẽ tiền mất tật mang. Các giao dịch này có thể bị coi là không hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ”.
Luật sư Ngọc nhấn mạnh: “Các bài học về đa cấp, về chơi hụi vẫn còn nguyên. Người tham gia giao dịch cần bình tĩnh, sáng suốt đối với các loại giao dịch không rõ ràng này hơn nữa dù có một số nước trên thế giới chấp nhận Bitcoin nhưng đó không phải Việt nam.
Các vụ đổ bể hụi, đổ bể đa cấp thời gian qua cũng do ham lãi cao mà ra nên người tham gia giao dịch cần biết chế ngự lòng tham để không bị lợi dụng dẫn đến tiền mất, nhà tan”.
Theo một chuyên gia tài chính, nếu coi đây là hình thức "chơi hụi" thì những người tham gia cho - nhận không biết nhau, không biết ai tổ chức, kiểm soát... thì quả thật là mù quáng. Bởi, chơi hụi biết mặt nhau mười mươi còn bể, mất tiền thì ai khẳng định hình thức này an toàn!.
Trước thực tế nhiều sàn, trang web điện tử lôi kéo người đầu tư vào các hình thức đầu tư tiền ảo, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã cảnh báo và khuyến cáo các nhà đầu tư cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, với loại hình giao dịch tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống, hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống. Và, các hoạt động giao dịch này được thực hiện trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.
Đặc biệt, theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, hiện cũng có nhiều tổ chức, cá nhân huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản… Thực chất, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư.
Hoàng Mai