Ông Đinh Văn Trai, một người có uy tín trong đồng bào Bana ở thôn 1, xã An Toàn, cho hay: Cây “sâm rừng” này là do những người từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào rừng An Toàn tìm trầm và rùa vàng đã phát hiện, sau đó chỉ cho người dân địa phương cùng khai thác bán và làm thuốc. Cây “sâm rừng” giống cây khoai môn, nhưng lá nhỏ và mỏng như lá khoai mì, củ to khoảng ngón tay cái đến cườm tay, có nhiều vân khoanh tròn kết dính vào nhau. Cắt khúc củ ra, có nhựa nhớt và ngứa như khoai môn.
Cây “sâm rừng” thường mọc tự nhiên ở cuối nguồn nước các con suối có sình lầy. Hàng năm, cây chỉ mọc vào mùa hè, khi ra đủ 7 lá và trổ một bông vàng nhiều cánh, to bằng quả bắp tẻ, thì cây bắt đầu rũ chết phần thân và sẽ đâm chồi nảy lộc vào mùa hè năm sau.
Củ “sâm rừng” ở rừng An Toàn.
Nhiều người dân ở thôn 1, xã An Toàn, thừa nhận củ cây “sâm rừng” đem dầm rượu uống, có tác dụng tăng cường sinh lực, ăn ngon miệng; xắt lát phơi khô, sao khử thổ, rồi nấu nước uống chữa được nhiều bệnh.
Chưa rõ cây “sâm rừng” có phải là một loài thảo dược quý hiếm hay không, nhưng hiện nay có rất nhiều người vào rừng lùng sục, nhiều người đã chế biến thành dược phẩm để dùng, bán và tặng, cho. Rất mong các cấp chính quyền và các nhà chuyên môn sớm vào cuộc để bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước quy hoạch và thẩm định.
Theo Bình Định Online