Gần hai năm nay, người dân khắp nơi đua nhau đổ xô về Cổng Kẹp thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) để mua “nước thánh”. Một số người dân cho hay, nước này mua về là dùng được ngay, không cần phải đun nấu gì thêm nữa. Thậm chí, nhiều người dân các vùng lân cận cũng tìm về đây để mua nước với hy vọng chữa lành các căn bệnh hiểm nghèo.
Xe tải hạng nhẹ cũng đi mua nước
Cụ Nguyễn Văn Kiệm, một người dân địa phương cho biết: “Đã bao nhiêu năm nay, cho dù thời tiết nắng nóng đến mức nào, khắp nơi khô hạn nhưng riêng nước ở cái giếng này vẫn róc rách ngày đêm, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Các cụ ngày trước nói rằng, uống nước ở đây suốt đời không mắc bệnh vì đó chính là dòng sữa phượng hoàng chảy ra từ hệ thống núi Thiên Nhẫn”.
Hai người phụ nữ đang giúp nhau vận chuyển nước thánh vừa xếp hàng vất vả mới mua được chia sẻ: “Nước ni (này) trong vắt, mát lạnh, mua về là dùng được luôn, không cần nấu nướng chi hết. Đặc biệt, đem nấu nước chè hay nấu rượu thì đều uống rất ngon, đậm đà.
Vừa rồi tui còn nghe mấy đứa con gái trong làng kháo nhau rằng mua nước ở đây về tắm thường xuyên sẽ có được làn da trắng hồng mà không cần mỹ phẩm”.!?
Hiện tại, trên Quốc lộ 15 nối Nam Đàn (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh) có đến 3 cái giếng người dân địa phương đang khai thác lấy nước sử dụng. Có thời điểm người dân chen chúc nhau đông quá nên người ta đào thêm hai nguồn nước nữa để phục vụ.
Tuy vậy, người ta vẫn tập trung về khe nước ở giữa vì cho rằng nước ở đây mới là “nước thánh” chính hiệu.
Cũng tại giếng nước này, UBND xã Khánh Sơn đã có dựng biển chỉ rõ nội quy, quy định và mức phí mua nước. Mức phí được quy định 1 ngàn đồng/1 can 20 lít đối với người dân trong xã Khánh Sơn, với người dân nơi khác đến mua thì tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người ta đưa ra những mức giá khác nhau, không có trong quy định. Được biết, vào tháng 7/2010, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu nước kiểm tra và cũng đã có kết luận đây là nguồn nước chảy bình thường.
Mặc dù vậy, trên tấm biển ghi nội quy của UBND xã Khánh Sơn không có mục nào liên quan đến kết luận này. Điều này một phần khiến chi người dân khắp nơi vẫn tin tưởng rằng đây chính là nguồn “nước thánh”.
Chị Nguyễn Thị L, một người dân ở xóm 14 cho biết: “Năm ngoái, khi người ta chưa bán nước, nhiều thanh niên trai tráng trong vùng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Có hôm, người ta dùng gạch đá, dao kiếm đâm chém nhau chỉ để tranh dành suất lấy trước, nghĩ lại mà sởn cả da gà các chú ạ. Cũng chính vì sợ xô xát xảy ra nên nhiều người dân ở xóm 14 đã xây thêm hai giếng nước khác, tuy chất lượng nước không bằng giếng chính nhưng chịu thiệt theo họ thì chịu thiệt một tý nhưng yên thân hơn”.
Trước thực trạng đó, vào tháng 6/2009 UBND xã đã quyết định đưa nguồn nước Cổng Kẹp vào quản lý và hộ ông Nguyễn Trọng Lịch đã trúng thầu. Được biết, vào năm 2010, sau khi báo chí đưa tin, huyện và xã đã đình chỉ không cho người dân lấy nước để đem mẫu nước đi xét nghiệm. Nhưng chỉ được một thời gian, người dân lại đổ xô đi lấy nước và xã lại cho tổ chức đấu thầu như trước.
Trên danh nghĩa thì UBND xã Khánh Sơn cho rằng nhà thầu và xã chỉ lấy phí quản lý an ninh trật tự, tiền điện nước nhưng trên thực tế lượng nước được bán ra mỗi ngày mang lại lợi nhuận rất lớn. Người dân ở đây cho biết, thời điểm đông nhất là từ 3h sáng đến 11h trưa và từ 4h đến 8h tối.
Mỗi ngày gia đình ông Lịch thu vào khoảng từ 800 ngàn đến hơn 1 triệu đồng vào mùa nắng, còn mùa mưa thì ít hơn, khoảng 400 ngàn đồng. Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Trọng Lịch phải nộp cho xã số tiền lên đến trên 100 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: “Nguồn nước ở Cổng Kẹp đã được khai thác và sử dụng trong sinh hoạt từ thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ, người Pháp đã tìm ra được khe nước này, chắc chắn họ cũng đã kiểm tra rồi mới đưa vào sử dụng.
Hiện nay, những thiết bị dẫn nước từ trong núi ra vẫn nguyên từ ngày người Pháp xây dựng. Mới đây, trước thực trạng người dân tập trung mua nước đông, nhà thầu mới chia khe nước ra làm hai vòi để thuận tiện trong việc lấy nước mà thôi”, ông Việt nói.
Doanh nghiệp cũng muốn kinh doanh “nước thánh”
Theo ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn thì gần đây đã có một vài doanh nghiệp về xin khai thác, sản xuất nguồn nước khoáng nhưng xã không đồng ý vì nguồn nước thực chất không nhiều và xã muốn quản lý để phục vụ dân sinh mà thôi.
“UBND xã cũng đã phối hợp với trạm y tế thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con về việc ăn chín uống sôi. Thế nhưng vì thói quen cũng như tin tưởng nguồn nước Cổng Kẹp nên đa số người dân khi mua nước về đều đem dùng ngay mà không cần xử lý”, ông Việt nói.
Vùng đất lich sử đuợc gắn theo nhiều bí ẩn... Thiên Nhẫn là một dãy núi bắt nguồn từ huyện Tương Dương (Nghệ An) kéo dài đến tận rú Nghèn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Thiên Nhẫn gồm những ngọn núi đất có vô số đỉnh tròn nối đuôi nhau như ngàn con ngựa ruổi rong tạo nên quang cảnh mang khí thế rất hùng vĩ. Với 999 đỉnh núi, từ bao đời nay Thiên Nhẫn che chắn cho cuộc sống của cư dân Nam Đàn về phía tây nam. Đây cũng chính là nơi có thành Lục Niên của nghĩa quân Lê Lợi xây dựng năm 1424 để đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Đến giữa thế kỷ 18 có trại Bùi Phong, nơi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ẩn dật trong 20 năm và Sùng Chính thư viện, thành lập năm 1791 dưới thời vua Quang Trung, do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đứng đầu. Chính vì thế, hệ thống núi này cũng mang nhiều truyền thuyết được truyền tụng cho tới ngày nay và dòng nước thánh đang đổ ra hàng ngày ở chân núi Sắc (thuộc hệ thống núi Thiên Nhẫn) cũng được người dân gắn theo nhiều sự bí ẩn |
Hồ Ngọc