“Thần dược” trên núi Tam Đảo
Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam nằm trên địa bàn 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngọn núi này nổi tiếng không chỉ vì những câu chuyện bí hiểm mà vùng núi này còn được biết đến như một kho thần dược quý hiếm.
Thời gian vừa qua ở khu vực rừng Tam Đảo và Núi Bóng thuộc địa bàn xã Minh Tiến, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nhiều người dân đã lên núi để tìm kiếm cây Tỏa Dương đem về ngâm rượu sử dụng và một phần đem bán với giá rất cao.
Tỏa Dương có tên là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cây không lá, xà cô, là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, có mùi hôi. Cán hoa nạc và mềm, sần sùi, không có lá. Hoa đực và hoa cái riêng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10-15cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2-3cm.
Tỏa Dương thường mọc và sống ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp... ở các vùng rừng núi. Đông y dùng Tỏa Dương để bổ thận tráng dương, ích tinh huyết, mạnh tình dục, bổ tỳ vị, nhuận tràng, thông tiểu. Chủ trị yếu sinh lý, liệt dương, lãnh cảm, đau lưng, mỏi gối, biếng ăn.
Trong thời gian đúng mùa vụ, cây Tỏa Dương bị săn đào nhiều hơn cả sừng tê giác vì được đồn là bổ dương cực kỳ. Nhiều người dù có tìm được nhiều cây Tỏa Dương vẫn không đủ bán, người muốn mua phải hẹn trước cả mấy tháng.
Mục sở thị “thần dược” tầm gửi quanh cây gỗ Ngát
Để biết được hành trình tìm kiếm “thần dược” mà nhiều người dân đang tìm kiếm, PV đã quyết định theo chân anh Th. để cùng băng rừng đi tìm “thần dược”.
Trong hành trình đi xuyên rừng để tìm kiếm “thần dược”, anh Th. cho biết, với những người thường xuyên ở rừng nhiều hơn ở nhà như anh thì biết cây Tỏa Dương là một loại tầm gửi sống ở rễ cây.
Mà chúng chỉ có ở quanh gốc cây Ngát trong rừng sâu. Để tìm được loại cây Tỏa Dương nhiều khi không khó. Nhưng tìm được cây Tỏa Dương bám vào cây Ngát thì mới có hiệu nghiệm và được coi là hàng độc.
Khi đoàn người đang cùng nhau đi vào khu rừng, anh Th. kêu to “thấy rồi, cả tảng nhé, chỗ này đến nửa cân cũng nên!”. Chúng tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, lơ ngơ nhìn xung quanh.
Đến khi hướng mắt về phía một cây gỗ to, ước chừng đường kính khoảng 70 cm phía trước mặt. Anh Th. bảo đây là cây gỗ Ngát, cây Tỏa Dương hay sống tầm gửi trên nó.
Rồi nhanh như cắt anh Th. lại gần gốc cây đó, nhẹ nhàng cắt lấy những cụm cây Tỏa Dương, nhẹ nhàng cho vào túi đựng vì sợ làm mạnh tay những cụm tỏa dương sẽ bị dập nát, bán không được giá.
Theo quan sát của PV, cả một cánh rừng rộng bạt ngàn nhưng hầu như không cây Ngát nào bị bỏ sót. Người dân đua nhau đi đào bới vì mức lợi nhuận kiếm được từ thứ “thần dược” này rất cao.
Để biết được độ “hot” của thứ “thần dược”, PV tiếp tục theo chân những tín độ săn lùng Tỏa Dương ở cánh rừng Tam Đảo.
Có nhiều người dân ở xã Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên) vào rừng để tìm cây tỏa dương nhưng có một điều đáng chú ý là người dân không đào hết cả cụm mà thường vẫn để lại một nhánh nhỏ ở những gốc cây mà họ lấy. Họ giải thích rằng làm như vậy để mùa sau họ còn có cơ hội để kiếm được thứ “thần dược” này.
Ông Lỗ Văn Đường, Phó chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết, việc nhiều người dân vào rừng tìm kiếm cây Tỏa Dương hay ở địa phương gọi là cây cu chó về làm thuốc chúng tôi cũng có nghe. Nhưng ở địa phương một số người dân lấy về cũng chỉ để ngâm rượu.
Tuy nhiên, vị phó chủ tịch UBND xã này cũng khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng những thảo dược một cách tùy tiện. Nên tư vấn bác sĩ Đông y trước khi sử dụng.
Quốc Hùng