Thỏa thuận lịch sử trước nguy cơ bị chấm dứt
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận nếu Quốc hội và các đồng minh không nhất trí củng cố thỏa thuận này vào hôm 13/10.
"Trong trường hợp chúng ta không thể tìm ra một giải pháp để làm việc với Quốc hội Mỹ và các đồng minh, thỏa thuận sẽ kết thúc. Nó đang được xem xét và tôi sẽ huỷ bỏ sự tham gia của Mỹ bất kỳ lúc nào, với tư cách Tổng thống", ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng.
Người đứng đầu Nhà Trắng cáo buộc Iran có nhiều vi phạm với thỏa thuận, bất chấp việc chính quyền Washington, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng Tehran đang tuân thủ thỏa thuận năm 2015.
Ông Trump tuyên bố Iran đã "không đáp ứng được trông đợi của chúng ta về hoạt động của các máy ly tâm tiên tiến", "hăm doạ" các thanh sát viên quốc tế để họ không thực hiện đầy đủ quyền hạn của họ.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết Tổng thống Mỹ sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran mà hướng đến chiến lược lớn hơn. Đáp trả, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định ông Trump không thể tự mình quyết định số phận của thỏa thuận.
"Đây là một thỏa thuận quốc tế, đa phương đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Đó là tài liệu Liên Hợp Quốc. Một Tổng thống có thể đơn phương bác bỏ nó không? Rõ ràng là ông ấy không biết", ông Rouhani tuyên bố.
Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân ký vào năm 2015 với Mỹ và các cường quốc. Đồng thời nước này sẽ tăng gấp đôi nỗ lực mở rộng khả năng quốc phòng của mình, bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo, bất chấp sức ép của Mỹ.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký tháng 7/2015. Theo đó, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Với tuyên bố của ông Trump, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran hay không. Nếu thỏa thuận này bị bỏ, những tác động để lại sẽ vô cùng khó lường.
Nguy cơ chiến tranh
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky ngày 14/10 cho rằng, Mỹ có thể bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 đang ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Châu Âu, Trung Quốc và Nga cũng nhận thức rõ những hậu quả không thể bù đắp mà những hành động khiêu khích chống Iran như vậy có thể dẫn đến," ông Slutsky nhận định.
Mỹ có thể rơi vào thế đối đầu với các nước còn lại trong nhóm P5+1 nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ. Hàng loạt công ty các nước này đã xúc tiến làm ăn, khôi phục thương mại với Iran sau khi thỏa thuận được thực hiện. Nếu thỏa thuận bị hủy bỏ các nước sẽ thiệt hại rất lớn. Nhiều nhà phân tích còn dự đoán có thể Mỹ sẽ bị các nước này trả đũa kinh tế.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người có công lớn trong đàm phán lịch sử về Iran nhận định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân này có thể gây ra khủng hoảng toàn cầu. Trong bài viết dài trên trang Twitter, ông John Kerry viết: “Quyết định của Tổng thống Trump hôm nay là nguy hiểm. Ông ấy đang tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế...”.
Nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân này hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Bình luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi "một tín hiệu nguy hiểm và khó khăn", đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Xem thêm >> Lý do Iran không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân