Mỹ sắp hết vai trò?
Bị bỏ rơi bởi Washington và chịu sự tấn công bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng người Kurd ở thành phố Afrin, phía Bắc Syria đã lên tiếng đề nghị giúp đỡ và sớm nhận được tín hiệu tích cực từ Nga.
Một phát ngôn viên của Các đơn vị tự vệ của người Kurd (YPG) tuyên bố vào ngày 20/2 rằng, lực lượng Nga ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad sẽ cử tiếp viện tới Afrin để giúp người Kurd.
Tờ France 24 dẫn nguồn tin cho biết, một đoàn hộ tống của các lực lượng thân chính quyền Assad tiến vào Afrin đã bị chặn lại bởi pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm này đã phải quay trở lại.
Tình hình trên mặt đất hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể thấy người Kurd đã bị Mỹ bỏ rơi ít nhất là hơn một tháng qua, lần đầu tiên kể từ khi Lầu Năm Góc tuyên bố thành lập một lực lượng an ninh biên giới ở miền Bắc Syria, gồm chủ yếu là người Kurd để đẩy lùi khủng bố IS ra khỏi khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ có câu trả lời cho sáng kiến của Mỹ bằng cách đổ bộ vào miền Bắc Syria và tấn công người Kurd, mà theo một số báo cáo đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Mỹ đã không có bất kỳ động thái nào dằn mặt Ankara, do đó người Kurd đã nhờ cậy đến Nga giúp đỡ.
Trong bài viết trên tờ Die Welt hôm 19/2, cây bút Alfred Hackenberger nhận định: "Nga sẽ thuộc về bên chiến thắng trong trường hợp liên minh quân sự Syria-Kurd hình thành. Điều này sẽ mở rộng tầm kiểm soát một cách rõ rệt cho Moscow. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ngừng cuộc xâm lược Afrin, bởi một cuộc đối đầu với quân đội Syria sẽ mang nước này đến cuộc xung đột trực tiếp với Nga".
Bình luận viên David Goldman của tờ Asia Time đánh giá, cuộc bao vây Afrin dù chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến ở Syria, nhưng có thể chỉ ra rằng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã không còn nữa.
Tình thế “một lựa chọn” của Mỹ
Được đào tạo bởi lực lượng vũ trang Mỹ và Đức, người Kurd đại diện cho lực lượng duy nhất còn khả năng đứng độc lập với chính quyền Assad do Nga hậu thuẫn sau khi quân đối lập do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia ủng hộ - đã thất bại.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của người Kurd ở Syria đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Tổng thống Erdogan vẫn luôn lo sợ chính quyền tự trị người Kurd ở Iraq và Syria sẽ kéo xuống biên giới nước này để liên kết với cộng đồng người Kurd – vốn bị coi là mối đe dọa - đang phát triển nhanh chóng trong nước.
Theo một số dự đoán, sẽ có hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về cộng đồng người Kurd vào giữa những năm 2040.
Sau những trải nghiệm đau đớn ở Iraq và Afghanistan, Mỹ sẽ không liều lĩnh tăng cường thêm quân tại Syria.
Do đó, người Kurd từ lâu đã chiến đấu như một phụ tá của NATO chống lại IS và cộng đồng này không muốn điều gì hơn là trở thành liên minh của Mỹ.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng nước này lại đối lập với các lợi ích chủ chốt của Washington. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn gây dựng quan hệ khăng khít với Nga và giúp nước này mở đường ống cung cấp khí đốt cho vùng Nam Âu, thông qua đường ống dẫn Turkstream.
Dẫu vậy, dù bất đồng nhau về nhiều thứ, Washington vẫn muốn giữ hòa khí với chính quyền Erdogan, cũng như sợ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi NATO, nếu Mỹ đứng ra công khai bảo vệ người Kurd.
Một quan chức chính quyền Mỹ từng khẳng định: "Không ai muốn mất đi một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đặt lên bàn cân so sánh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, theo quan điểm của Washington, rõ ràng Ankara có giá trị hơn. Suy ra rằng, con đường khả dĩ nhất đối với Mỹ lúc này là chỉ coi người Kurd là đối tác chứ không phải đồng minh. Sau khi sử dụng người Kurd để chống lại IS thành công, hai bên sẽ “đường ai nấy đi” và quan hệ Washington-Ankara sẽ không sứt mẻ.
Điều này khiến người Kurd không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hướng sang chính phủ Assad và các nước ủng hộ Nga.
Mỹ mất đi một phần sức mạnh lớn trong khi Nga nghiễm nhiên tiếp nhận một đối tác mới là người Kurd - nền tảng sẽ giúp Moscow tiếp tục chiếm thế thượng phong trong khu vực.
Israel, đồng minh duy nhất của Mỹ trong khu vực, nhận ra hậu quả ngay lập tức. Thứ trưởng Ngoại giao và là cựu Đại sứ Israel tại Washington Michael Oren nói với Bloomberg News vào ngày 12/2: "Chương trình của Mỹ là đưa chúng ta trở lại", nhưng Mỹ "gần như không có đòn bẩy trên mặt đất”.
Dẫn tiêu đề cuốn sách “Người Mỹ chơi cờ tỷ phú, người Nga chơi cờ vua” từng xuất bản 10 năm trước của mình, cây bút David Goldman cho rằng với cuộc chiến ở Syria, Mỹ giống như một tay doanh nhân chỉ biết vung tiền đầu tư, trong khi Nga là một kỳ thủ đại tài.
Đối với Mỹ, tài sản của nước này trong khu vực cũng giống như khách sạn, bất động sản được đầu tư trong trò cờ tỷ phú. Chúng chỉ được bảo vệ riêng lẻ và rời rạc. Không có chiến lược thống nhất nào đánh giá tầm quan trọng hoặc đánh giá liệu các tài sản này có cần thiết phải hy sinh vì mục tiêu lớn hơn hay không.
Trong khi đó, Nga xem các quân cờ của mình đều có vai trò quan trọng trên bàn cờ, góp phần vào mục đích duy nhất là chiến thắng trò chơi.