Doanh nghiệp "bạc mặt" vì cơ quan quản lý, ai chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp "bạc mặt" vì cơ quan quản lý, ai chịu trách nhiệm?

Nguyễn Văn Ngọc Thi

Nguyễn Văn Ngọc Thi

Chủ nhật, 02/09/2018 07:44

Mới đây, Con Cưng và cơm tấm Kiều Giang đã được minh oan nhờ kết luận chính thức từ phía cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp không tránh khỏi những thiệt hại kinh tế nặng nề trong quá trình kiểm tra.

Để làm rõ vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với luật gia, luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM thuộc Hội Luật gia Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nghiệp 'bạc mặt' vì cơ quan quản lý, ai chịu trách nhiệm?

Luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam.

PV: Sự việc liên quan đến thương hiệu Cơm tấm Kiều Giang và chuỗi cửa hàng Con Cưng đang được dư luận quan tâm. Phía các doanh nghiệp cho rằng cơ quan Nhà nước công bố sai thông tin gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, luật sư nghĩ như thế nào?

Luật sư Trần Đình Dũng: Trong thời đại “chiều thẳng thông tin” ngày nay, một doanh nghiệp có thể nhanh chóng bị phá sản khi thông tin xấu về họ được lan truyền trên truyền thông. Kể cả khi họ bị oan, cũng có thể khó vãn hồi dư luận kịp thời.

Gần đây, hai vụ việc gây xôn xao dư luận là chuỗi cửa hàng Con Cưng và thương hiệu Cơm tấm Kiều Giang. Đúng là hai doanh nghiệp này bị một phen "choáng váng" bởi hàng loạt thông tin xấu về họ được lan truyền nhanh chóng trong dư luận. Những thông tin này nếu xuất phát từ phát ngôn công vụ của cơ quan Nhà nước thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

PV: Nhà nước phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật ra sao về những thiệt hại của doanh nghiệp trong trường hợp này?

Luật sư Trần Đình Dũng: Doanh nghiệp có thể yêu cầu bồi thường nếu công chức công bố thông tin sai gây thiệt hại. Điều 598 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Trong trường hợp thông tin công bố từ cuộc họp báo và kết luận thanh tra có khác nhau thì phần công bố khác trước đó được coi là công vụ sai (công bố sai sự thật) và đó là căn cứ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 7, Điều 8 luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017.

Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thì công chức thi hành công vụ có trách nhiệm giữ bí mật khi kiểm tra theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 68 luật An toàn thực phẩm 2010 “Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức”.

PV: Việc bồi thường được xác định như thế nào?

Luật sư Trần Đình Dũng: Khi thông tin được công bố ra nhưng chưa có kết luận sau cùng và thông tin đó không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại thì đó là căn cứ để doanh nghiệp khởi kiện cơ quan Nhà nước ra tòa án, yệu cầu bồi thường thiệt hại.

Chẳng hạn, lúc mới kiểm tra mà cơ quan kiểm tra công bố với báo chí rằng doanh nghiệp dùng "thịt ngâm trong phụ gia 'lạ'", "bốc mùi", "nổi váng", "không rõ nguồn gốc xuất xứ", "không xuất trình được hóa đơn chứng từ"... nhưng sau này kết luận chính thức chỉ bị phạt 2,3 triệu đồng vì khu chế biến, sàn nhà có viên gạch bị vỡ, có con ruồi và có nhân viên không mang bao tay thì những thông tin trước đó được coi là công bố sai.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nghiệp 'bạc mặt' vì cơ quan quản lý, ai chịu trách nhiệm? (Hình 2).

Một góc nhà hàng cơm tấm Kiều Giang ở quận 9, TP.HCM.

Nguyên tắc thiệt hại được xác định thiệt hại thực tế như doanh số giảm sút, thiệt hại do hủy hợp đồng với các đối tác, đình trệ kinh doanh ảnh hưởng đến người lao động…

Tôi cho rằng thông tin do cơ quan quản lý công bố về sai phạm của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nó có thể làm một doanh nghiệp phá sản. Do đó, việc công bố thông tin phải hết sức cẩn trọng và thật chính xác khi đã có kết luận rõ ràng, đúng thẩm quyền, chứ không nên tùy tiện công bố thông tin chỉ khi mới nghi ngờ chưa có kết luận chính thức.

Xin cảm ơn luật sư!

Như thông tin trước đó, ngày 21/8, đoàn Kiểm tra liên quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) thuộc ban Quản lý ATTP TP.HCM đã kiểm tra nhà hàng cơm tấm Kiều Giang. Tại đây, bước đầu đoàn kiểm tra ghi nhận một số điểm bất thường trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP.

Cụ thể, tại kho chứa nguyên liệu của quán cơm có nhiều nguyên liệu, gia vị được chứa trong những thùng, can nhựa đóng đầy cặn bẩn. Thịt nguyên liệu trong kho đông lạnh đang được ngâm trong những thùng hóa chất có màng, đóng váng và bốc mùi.

Ngoài ra, còn một số nguyên liệu khác không xác định được chính xác là nguyên liệu gì được đóng gói trong túi nilon. Cũng tại nhà hàng cơm tấm Kiều Giang, đoàn Kiểm tra phát hiện nhà hàng đang sử dụng một số gia vị “lạ”, màu trắng, mùi hắc khó chịu, vị ngọt lợ không có nhãn mác rõ ràng.

Nhân viên tại đây cho biết, những gia vị này để dùng làm đồ chua, khi khách hàng có nhu cầu, chỉ cần bỏ nguyên liệu vào nước pha lẫn gia vị này là xong. Tất cả những sản phẩm trên đều không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.