Theo Báo Đất Việt, tại buổi Hội nghị đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền TP. HCM do Sở TN&MT tổ chức, bà Nguyễn Thị Bính – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Bính đã liên tục phát biểu và bật khóc vì thường xuyên bị các cơ quan chức năng kiểm tra với hình thức “bới lông tìm vết”, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của mình.
Không chỉ riêng doanh nghiệp của bà Bính bị gây khó dễ, trong buổi Hội nghị này, cũng có rất nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng trải lòng về sự hạch sách của các cơ quan chức năng áp dụng với doanh nghiệp.
Và theo “những người trong cuộc” thì một trong những nguyên do chính gây ra việc vạch lá tìm sâu như thế là bởi Tết năm vừa qua chủ doanh nghiệp... chưa tới thăm các lãnh đạo. Việc mà vốn được các doanh nghiệp coi như một “nét văn hóa” thường niên.
Để cứu vớt cho những “nét văn hóa đang dần mai một” cũng như cứu vớt tình trạng kinh doanh bị đóng băng bởi cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp phải dành nguyên một ngày lễ để “rải” phong bì từ các phòng lãnh đạo chủ chốt xuống tận thôn.
Tâm sự trên cùng những giọt nước mắt của bà Bình trong Hội nghị đã kéo theo không ít sự đồng cảm của độc giả.
Tuy nhiên, cây ngay chẳng sợ chết đứng. Xét đến cùng, nếu như những doanh nghiệp làm đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo được chất lượng sản phẩm làm ra, đưa quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu thì có lẽ họ chẳng bao giờ phải sợ những “chiêu trò” của cơ quan chức năng.
Họ đến “nhiễu sách”, cứ để họ “nhiễu”, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp không có gì mờ ám, không có gì khuất tất thì sao phải “xoắn”!
Vả lại, nếu theo “triết lý viên kẹo” thì dường như “nét văn hóa” của những doanh nghiệp đã “làm hư” các cơ quan chức năng và tự đẩy chính những doanh nghiệp đó vào con đường lầy lội.
Coi việc quà cáp, biếu xén là một nét văn hóa chính là giết chết sự công tâm trong công việc. Khi bạn cho ai khác một thứ gì đó quá thường xuyên thì họ sẽ không còn nghĩ đấy là món quà nữa. Họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và đến khi bạn không cho thứ mà họ muốn, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn. Đó là trạng thái tâm lí bình thường, có lẽ điều này những người làm kinh doanh phải nắm bắt rất rõ.
Vậy việc các doanh nghiệp bị “hoạnh” khi không duy trì tốt “nét văn hóa” âu cũng là quả của nhân mà chính những doanh nghiệp ấy đã trồng nên mà thôi!
Mặt khác, tại sao chúng ta lại có thể chê trách cơ quan chức năng khi họ “bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”? Cách nói trên chỉ đơn thuần là lối dẫn bóng tư duy, lái dư luận theo hướng tiêu cực. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vấn đề theo một khía cạnh khác tích cực hơn, việc “bới” và “vạch” đó chính là hình thức thể hiện sự tận tụy, trách nhiệm của các phòng, ban với công việc của mình.
Có lẽ những người tiêu dùng như chúng tôi phải cảm ơn sự tỉ mỉ đó của các cơ quan chức năng. Chúng tôi không sợ các bác vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết.
Chúng tôi chỉ sợ các bác “khuất mắt trông coi”, "ngoảnh mặt làm ngơ, bơ đi mà sống", quên mất lợi ích của người tiêu dùng mà thôi.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả