Doanh nghiệp BĐS “chết trên đống của”

Doanh nghiệp BĐS “chết trên đống của”

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

– Xưa nay doanh nghiệp thường chết vì thiếu vốn, tuy nhiên, trong tình cảnh thị trường BĐS “đắp chiếu” như hiện nay, điều phi lý “chết trên đống của” đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp BĐS khi họ nắm trong tay hàng chục dự án nhưng lại rơi vào thế “tiến thoái lướng nan”.

Dạo một vòng quanh các công trường trên địa bàn Hà Nội, cảm nhận chung ai cũng có thể rút ra được là sự vắng vẻ đến bất ngờ của hầu hết các công trường. Sau sự yên ắng của công trường là nỗi lo như ngồi trên đống lửa của các nhà thầu xây dựng.

Bất động sản - Doanh nghiệp BĐS “chết trên đống của”Công trường vắng tanh vắng ngắt (Ảnh minh họa)

Trường hợp của anh Phan Quang Hoàn, một chủ thầu xây dựng tại Thanh Xuân là một câu chuyện đáng bàn. Doanh nghiệp xây dựng của anh từng “ăn nên làm ra” khi thị trường BĐS đang thời kỳ hưng thịnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì câu chuyện đó đã là chuyện cổ tích xa vời.

Anh Hoàn cho biết, vào giai đoạn năm 2008 khi thị trường còn có nhiều dấu hiệu phát triển, doanh nghiệp của anh đã gặp may khi liên tục nhận được nhiều dự án và anh không ngần ngại đầu tư mạnh tay hàng nghìn tỷ đồng. Dự án chưa hoàn thành, công trình chưa bàn giao thì BĐS xuống dốc không phanh, đồng tiền rớt giá trầm trọng kéo theo nhiều rủi ro khác khiến nguồn vốn đầu tư vì thế mà tăng lên chóng mặt. Để có tiền đầu tư, ngoài việc huy động hết nguồn tiền sẵn có, doanh nghiệp còn phải vay mượn, cầm cố. Tuy nhiên, sinh lời đâu chưa thấy, chỉ thấy tiền lãi ngân hàng tăng lên chóng mặt, doanh nghiệp xoay đủ đường cũng không có tiền trả nợ.

Trường hợp doanh nghiệp nói trên chỉ là trường hợp điển hình cho rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng tương tự. Ngoài việc nhiều doanh nghiệp chi mạnh tay đầu tư và thua lỗ, một số doanh nghiệp ôm tham vọng mở rộng thị trường, đầu tư mạnh tay vào BĐS và những doanh nghiệp non kinh nghiệm nhưng ôm mộng làm giàu khi chuyển hướng đầu tư sang BĐS… đều gánh chung số phận.

Theo ông Phạm Xuân Cần - chủ tịch công ty tư vấn BĐS Sohovietnam, trong số những doanh nghiệp đang chào bán dự án, có doanh nghiệp đã vay tiền của ngân hàng, huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng, nhưng do đầu ra cho sản phẩm không có nên không có doanh thu trả lãi ngân hàng và nhà thầu nên buộc phải bán dự án.

Khi rơi vào vũng lầy, các doanh nghiệp xoay đủ hướng để tìm cách thoát ra. Tuy nhiên, thị trường BĐS hiện nay như chiếc vòng Kim Cô, càng xoay càng bị siết chặt.

Các chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp bị dồn vào thế đường cùng là do doanh nghiệp không tự lượng sức mình, đầu tư dàn trải quá nhiều dự án. Tiền thì không phải là doanh nghiệp không có nhưng tất cả hiện giờ đang nằm trong đất, muốn có tiền doanh nghiệp buộc phải chờ đợi ngày khởi sắc của thị trường.

Trong tình cảnh nhiều doanh nghiệp “chết chìm”, Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng đã có một số động thái tích cực như hạ lãi suất cho vay, mở hầu bao cho vay một số khoản mục bất động sản, mua lại một phần quỹ nhà chung cư… Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn chưa đủ mạnh để cứu các doanh nghiệp BĐS thoát khỏi “vũng lầy”.

Phan An


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.