Doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi thời gian đóng phí công đoàn

Doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi thời gian đóng phí công đoàn

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 20/09/2023 07:00

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định cho phép lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Tổng Liên đoàn Lao động đã ban hành Quyết định 7823/QĐ-TLĐ về lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo đó, căn cứ đề nghị của Ban Tài chính Tổng liên đoàn, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý lùi đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.

Cụ thể, các doanh nghiệp bị cắt giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên vào thời điểm từ ngày 1/1/2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt giảm, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.

Ban Tài chính Tổng Liên đoàn; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Trước đó, vào giữa tháng 8, Hội nghị của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã quyết định chi hơn 145 tỷ đồng để hỗ trợ các lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập... chịu tác động từ cuộc khủng hoảng từ đầu năm 2023 tới nay.

Đây là gói hỗ trợ nối tiếp Quyết định 06 dành cho lao động mất việc, bị cắt giảm việc làm từ ngày 1/4/2023 đến 31/12/2023 trong doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn.

Gói hỗ trợ đoàn viên, lao động trị giá 145 tỷ đồng này, người thụ hưởng, mức hỗ trợ, thủ tục vẫn như cũ. Cụ thể, lao động bị giảm giờ làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng; ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng thì được hưởng một triệu đồng.

Người tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 30 ngày trở lên (trừ lý do cá nhân) nhận 2 triệu đồng. Lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Chính sách không áp dụng cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, bị kỷ luật sa thải, thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Việc tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31/1/2024, hoàn thành gói hỗ trợ chậm nhất trước ngày 31/3/2024.

Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn hiện nay

Hiện hành, theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

Theo Điều lệ công đoàn Việt Nam thì các đoàn viên đều phải đóng một khoản tiền đoàn phí là 1% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng tối đa hàng tháng người lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng không quá 10% trên mức lương cơ sở.

Các đối tượng không tham gia là đoàn viên của công đoàn thì không có nghĩa vụ phải đóng đoàn phí công đoàn nêu trên. Người lao động phải đóng mức phí khi là đoàn viên công đoàn mà đã có tổ chức công đoàn, trường hợp không có công đoàn thì không phải đóng khoản tiền phí này.

Đối tượng phải tham gia đóng kinh phí công đoàn là doanh nghiệp hoặc tổ chức hoặc người lao động không phân biệt có tổ chức công đoàn hay chưa có tổ chức công đoàn.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.