'Doanh nghiệp cần chủ động phát đơn kiện để chống phá giá'

'Doanh nghiệp cần chủ động phát đơn kiện để chống phá giá'

Thứ 5, 05/09/2013 14:17

Thời gian qua, không chỉ riêng con tôm mà mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới đã bị gây khó dễ. Xung quanh việc lần đầu tiên áp thuế chống phá giá với hàng nhập khẩu, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong.

Dấu hiệu tích cực

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp nội kiện doanh nghiệp ngoại bán phá giá là một tín hiệu tích cực. Xem ra, doanh nghiệp nội đang chủ động trong mối quan hệ sòng phẳng và ngang bằng với hoạt động thương mại quốc tế, thưa ông?

Đúng vậy! Việc Việt Nam lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu (áp dụng với các loại dầu ăn tinh luyện) là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta đã chủ động sử dụng công cụ phòng vệ được thỏa thuận trong các cam kết hội nhập quốc tế.

Theo ông thì điều gì cần lưu ý với các doanh nghiệp ở các mặt hàng khác khi sử dụng công cụ này?

Trước đây, trong lịch sử Việt Nam thường hay có trạng thái cực đoan với suy nghĩ hạ thuế là tốt, nhưng mở cửa chống cự thì lại yếu và mờ nhạt. Việc áp dụng các công cụ phòng vệ được các nước sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu, điều cần lưu ý là khi thực hiện việc áp thuế chống bán phá giá với nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải đảm bảo các điều kiện và minh bạch giá cả, nếu không sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài kiện lại.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Doanh nghiệp cần chủ động phát đơn kiện để chống phá giá'

TS. Nguyễn Minh Phong.

 Cụ thể, cần áp giá tương đương của doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp phải được chuẩn bị chu đáo, tránh trường hợp có doanh nghiệp nào đó ở Việt Nam có mức giá thấp hơn so với mức giá của doanh nghiệp nước ngoài bị áp thuế phá giá. Bởi nếu, áp thuế không đồng đều giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ bị kiện ngược lại và bị coi là phân biệt đối xử. Nói chung, động thái này là rất tốt để chống các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hàng giá rẻ tại thị trường Việt Nam.

Như ông nhận định, việc áp thuế chống bán phá giá là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại là người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt  vì giá mặt hàng không giảm?

Về nguyên tắc, bất cứ việc áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng nào, đều khiến cho giá mặt hàng không lùi hơn được. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp đều không giảm giá. Chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá không thể thấp được. Trong suy nghĩ của nhiều người thì đó là bất lợi cho người mua. Nhưng xét ở mức độ dài hạn, tổng thể ở trong nước thì nó sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng và việc làm, thu nhập của người lao động, đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, doanh nghiệp từng bước tăng hiệu quả kinh tế và giúp giảm giá thành sản phẩm xuống. Còn nếu, các mặt hàng nhập khẩu tràn lan thì chúng ta sẽ mất đi nhiều ngành sản xuất. Lúc đó, sự độc quyền thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, khiến giá mặt hàng còn cao hơn rất nhiều.

Thực tế hiện nay không chỉ mặt hàng dầu ăn mà hàng nông sản, thực phẩm của nước ngoài tràn lan và giá rẻ một cách bất ngờ. Nhưng xem ra, nông dân khó có thể tham gia các vụ kiện về giá?

Hiện nay các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang bị mất nhiều thị phần ngay tại sân nhà. Các loại hoa quả xuất xứ từ các nước lân cận vào Việt Nam với giá cực rẻ. Và, người sản xuất còn khá đơn độc trong việc tự vệ chính đáng để bảo vệ sản phẩm do mình sản xuất ra. Đó chính là điểm yếu rất lớn của nông dân, các doanh nghiệp nông sản nói chung. Chính vì thế các hiệp hội xuất khẩu, các hiệp hội nông sản phải thay mặt người nông dân, người sản xuất để thực hiện việc chống bán phá giá. Đặc biệt trong thời gian tới, các hiệp hội cần tăng cường hơn nữa vai trò bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước.

Phụ thuộc vào doanh nghiệp chủ động phát đơn kiện

Ông đánh giá ra sao về các điều kiện của Việt Nam khi xem xét áp thuế chống phá giá với mặt hàng nhập khẩu?

Hiện nay, Việt Nam đang có bốn điều kiện để xem xét điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá với các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chỉ cần các mặt hàng nhập khẩu có biểu hiện phá giá, bán dưới giá thành sản xuất khiến các mặt hàng cùng chủng loại trong nước không thể cạnh tranh được là tự nó sẽ kéo theo hệ quả tiếp theo như ảnh hưởng đến kinh tế -xã hội của Việt Nam, làm giảm công ăn việc làm, giảm thu nhập, năng lực sản xuất bị kém đi. Chỉ cần chứng minh có phá giá là đã đủ.

Ông đánh giá về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện về chống phá giá?

Việc điều tra chống bán phá giá phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị chủ động phát đơn kiện. Các doanh nghiệp trong nước chủ động kiện mà không chứng minh được thì sẽ bị bác đơn. Muốn chứng minh được thì phải cử đoàn, tham quan, khảo sát, lấy số liệu về tính toán, chứng minh có biểu hiện phá giá, giống như một số nước đã làm với Việt Nam. Đó đều là các hoạt động khá tốn kém và còn phụ thuộc vào sự hợp tác của bên bị đơn cùng việc tranh, tụng tại tòa đến đâu. Rõ ràng nếu các hành động tự vệ này không làm đến cùng thì sẽ vừa tốn tiền, mất uy tín. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nó không dễ như các nước áp thuế phá giá cho mặt hàng sản xuất của Việt Nam vào nước họ.

Xin cảm ơn ông!

BTV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.