Đề xuất xử lý hình sự
Cuối tháng 7/2023, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết tình hình chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.
Trong các giải pháp đề ra, UBND Tp.HCM yêu cầu Công an Tp.HCM phối hợp BHXH Tp.HCM thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị. Đồng thời, đề nghị xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, theo điều 216 Bộ luật Hình sự; hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT theo tiến độ.
Yêu cầu này của UBND Tp.HCM xuất phát từ thực trạng nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM không có chiều hướng kéo giảm. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 82.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền hơn 6.222 tỷ đồng.
Cụ thể, có hơn 40.000 đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng với số tiền chậm đóng hơn 1.632 tỷ đồng; hơn 7.000 đơn vị chậm đóng từ 3 đến dưới 6 tháng với số tiền chậm đóng hơn 423 tỷ đồng; hơn 5.000 đơn vị chậm đóng từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số tiền chậm đóng hơn 569 tỷ đồng. Đáng lưu ý, có gần 29.500 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 3.392 tỷ đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM cho rằng, một trong những nguyên do không có đơn vị nào bị đưa ra xét xử là vì quan điểm không phải "trốn đóng" mà là "chậm đóng", không có tiền đóng. Mặc dù có Nghị quyết 05 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giải thích thế nào là trốn đóng BHXH nhưng không áp dụng được.
Chính vì vậy, bà Thúy cho rằng, các cơ quan phải phối hợp, đánh giá việc áp dụng nghị quyết này. Song song đó, đề xuất cần phải định nghĩa cụ thể trong văn bản luật về tội trốn đóng BHXH, bao gồm việc chủ sử dụng lao động trốn khỏi nơi lao động sản xuất và thời gian bao lâu không đóng BHXH thì được xem là trốn đóng BHXH.
Tại tỉnh Đồng Nai, thống kê trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn là 753,4 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp chậm đóng số tiền lớn nhất với 655,2 tỷ đồng. Tình trạng nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm đã diễn ra nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cần chế tài cứng rắn hơn
Trong khi đó, BHXH tỉnh Bình Dương phân loại tình hình chậm đóng thành từng nhóm là: chậm đóng dưới 1 tháng (1.676 đơn vị, 34 tỷ đồng); chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng (4.763 đơn vị, 375,6 tỷ đồng); chậm đóng từ 3 đến dưới 6 tháng (840 đơn vị, 65 tỷ đồng); chậm đóng trên 6 tháng (926 đơn vị, 109 tỷ đồng); chậm đóng khác (giải thể, phá sản) là 701 đơn vị với số nợ 150 tỷ đồng…
Cơ quan này nhận định, các nhóm nợ dưới 6 tháng có khả năng thu hồi cao nhưng các nhóm nợ từ 6 tháng trở lên thì rất khó thu hồi, cần thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc và tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất, thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị nợ đọng BHXH.
Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, nguyên nhân các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH thì rất nhiều, có khách quan cũng có chủ quan. Việc chậm đóng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Để bảo vệ quyền lợi người lao động, BHXH tỉnh Bình Dương đã thực hiện mọi biện pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH như gửi email nhắc nhở, đôn đốc, đến trực tiếp đơn vị để thu hồi, thanh tra đột xuất đơn vị chậm đóng kéo dài…
Ngoài ra, BHXH tỉnh Bình Dương còn ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH.
Tuy vậy, thực tế vẫn có nhiều đơn vị "chây ì", không chấp hành quy định đóng BHXH cho người lao động dẫn đến lũy kế đến hết tháng 6/2023 có cả ngàn đơn vị nợ gần 1.000 tỷ đồng tiền BHXH.
Do đó, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH.
BHXH tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao có quy định chi tiết, cụ thể hơn để áp dụng quy định tại Điều 214 (tội Gian lận BHXH và bảo hiểm thất nghiệp), Điều 215 (tội Gian lận bảo hiểm y tế) và Điều 216 (tội Trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động) của Bộ luật Hình sự.
Đặc biệt, bà Lý còn kiến nghị sửa đổi Luật BHXH, bổ sung, mở rộng thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH. Bà đề nghị quy định rõ chế tài và thẩm quyền xử lý của cơ quan BHXH khi người sử dụng lao động không chấp hành; tăng chế tài xử lý mạnh hơn, mang tính răn đe đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng nhưng chưa thể xử lý hình sự.
Về hình thức tài chính, BHXH tỉnh Bình Dương kiến nghị cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Người sử dụng lao động chậm đóng BHXH từ 12 tháng trở lên có thể bị hoãn xuất cảnh.
Đồng thời, đơn vị này cũng kiến nghị bổ sung quy định cơ quan thuế khi thực hiện quyết toán hoàn thuế đối với các đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên thì phối hợp cơ quan BHXH để thực hiện khấu trừ tiền doanh nghiệp này nợ BHXH vào tiền hoàn thuế, chuyển thẳng vào tài khoản thu của cơ quan BHXH.