Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi cho đợt biến động mới bằng việc áp thuế cao lên tất cả các đối tác thương mại lớn, bao gồm mức thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 20% đối với một số mặt hàng từ châu Âu. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu mới, kéo tụt giá cổ phiếu và khiến các dự báo lợi nhuận doanh nghiệp ảm đạm hơn.
Bản phân tích mới từ Goldman Sachs, do chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Peter Oppenheimer dẫn đầu, nhấn mạnh mức độ rủi ro gia tăng đối với các doanh nghiệp châu Âu. Theo báo cáo này, hiện tại các công ty châu Âu có khoảng 30% tài sản đặt tại Mỹ - cao hơn đáng kể so với mức dưới 20% vào năm 2013.
"Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các công ty châu Âu - lớn hơn cả Anh, Đức và Trung Quốc cộng lại", báo cáo cho biết.
Những công ty châu Âu nào chịu rủi ro lớn nhất từ thuế quan của Mỹ?
Một số doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc nhiều vào doanh số tại Mỹ hiện đang đối mặt với "gọng kìm kép": vừa chịu ảnh hưởng từ thuế quan lên sản phẩm, vừa bị suy giảm lợi nhuận khi đồng USD yếu đi và tiền thu về quy đổi sang euro ít hơn.
Trong số các doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc cao nhất có: Ahold Delhaize (Hà Lan), tập đoàn bán lẻ sở hữu các chuỗi Stop & Shop và Food Lion, thu hơn 60% doanh thu từ Mỹ; Ashtead Group (Anh), công ty cho thuê thiết bị, với hơn 70% doanh thu đến từ công ty con tại Mỹ – Sunbelt Rentals; Fresenius Medical Care (Đức), nhà cung cấp dịch vụ lọc máu và y tế lớn hoạt động chủ yếu tại Mỹ; Bunzl, công ty phân phối có thị phần lớn tại Bắc Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ đối diện thách thức do chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. (Ảnh: Angela Barnes qua Euronews)
Các công ty khác đối mặt với thách thức lớn bao gồm: tập đoàn cung ứng thực phẩm Compass Group, công ty tín dụng Experian, nhà xuất bản giáo dục Pearson, tập đoàn phân tích dữ liệu RELX Plc, chuỗi khách sạn InterContinental Hotels Group, công ty kiểm soát dịch hại Rentokil Initial và tập đoàn công nghiệp – công nghệ Smiths Group.
Các "ông lớn" ngành dược như Novo Nordisk (Đan Mạch), Roche (Thụy Sĩ) và Sanofi (Pháp) cũng có thị phần đáng kể tại Mỹ, nhưng hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới.
"Các chuyên gia kinh tế của chúng tôi hiện đánh giá khả năng xảy ra suy thoái tại Mỹ là 45%, và con số này có thể còn tăng nếu tất cả các loại thuế quan được thực thi", ông Oppenheimer nhận định.
Theo Goldman Sachs, các công ty thuộc ngành truyền thông và y tế có mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ cao nhất và có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản - vốn ít liên quan đến thị trường quốc tế - lại có thể được hưởng lợi.
Doanh nghiệp tập trung thị trường nội địa có "lá chắn" tốt hơn
Các công ty châu Âu chủ yếu hoạt động trong nước có thể "lướt sóng" trong bối cảnh chiến tranh thương mại dễ dàng hơn.
Dù một cuộc suy thoái toàn cầu hay thu nhập khả dụng sụt giảm có thể ảnh hưởng đến doanh số nội địa, các công ty này vẫn ít bị tác động hơn so với những doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.
Các doanh nghiệp này thường hoạt động trong các lĩnh vực được điều tiết chặt chẽ như điện - nước, viễn thông, dịch vụ tài chính nội địa hoặc bất động sản. Ví dụ: Endesa và Redeia – hai công ty điện lực Tây Ban Nha chủ yếu hoạt động trong nước; Intesa Sanpaolo và Nexi – hai tổ chức tài chính Ý phụ thuộc phần lớn vào thị trường nội địa; các "ông lớn" bất động sản Pháp như Covivio và Klepierre – sở hữu danh mục tài sản lớn tại Pháp và các nước lân cận, doanh thu ổn định và ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ;
Tại Đức, LEG Immobilien và Vonovia - hai công ty quản lý nhà ở quy mô lớn - cũng tương đối được bảo vệ do chỉ phục vụ thị trường nội địa.
Nhà đầu tư châu Âu cũng đối mặt rủi ro "ba tầng"
Chính các nhà đầu tư châu Âu cũng đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Mỹ trong danh mục - hiện chiếm khoảng 50% tổng đầu tư cổ phiếu.
Dù trước đây điều này từng giúp tối ưu lợi nhuận trong giai đoạn kinh tế châu Âu trì trệ, Goldman Sachs giờ đây cảnh báo về "rủi ro ba tầng": nguy cơ thuế quan, tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và đồng USD suy yếu.
Ngân hàng này dự báo euro sẽ tăng lên mức 1,20 USD và bảng Anh lên mức 1,39 USD trong năm tới - điều này sẽ khiến lợi nhuận quy đổi từ USD sang euro giảm, làm tổn thất gia tăng với nhà đầu tư châu Âu.
Trước những rủi ro nêu trên, Goldman Sachs đã hạ mạnh dự báo lợi nhuận của các công ty châu Âu, ước tính lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm 7% vào năm 2025 và không tăng trưởng trong năm 2026 - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó.
Lê Anh (Theo Euronews)