Liên quan tới tình hình các đơn vị nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM gây bức xúc dư luận, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM đã có cuộc trả lời thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin.
Sẽ chuyển cơ quan điều tra
PV: Thưa bà, theo ghi nhận của PV, thời gian qua, nhiều đơn vị lớn như: Tập đoàn Mai Linh, công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam có số nợ lớn, thời gian dài nhưng BHXH TP.HCM vẫn không thể thu hồi? Tại sao lại có thực trạng này?
Bà Nguyễn Thị Thu: Tại thời điểm các đơn vị như: Tập đoàn Mai Linh, công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam nợ lớn, cơ quan BHXH đã áp dụng biện pháp thu hồi nợ cao nhất là khởi kiện ra tòa. Nếu những đơn vị này không thực hiện theo bản án của tòa, cơ quan BHXH phải nhờ đến cơ quan thi hành án để cưỡng chế tài sản của đơn vị thực hiện theo bản án của tòa.
Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị này không còn gì để cưỡng chế. Điển hình các công ty con của tập đoàn Mai Linh như: Công ty TNHH DELUXE Taxi, công ty TNHH Chợ Lớn Taxi, công ty CP Mai Linh miền Nam… chỉ còn là cái tên trên danh nghĩa, không còn hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể hay sáp nhập vào công ty mẹ. Thay vào đó, họ chỉ chuyển tất cả lao động về tập đoàn Mai Linh quản lý.
Đồng thời, từ năm 2016 trở đi, cơ quan BHXH không còn quyền khởi kiện các đơn vị nợ ra tòa mà thay vào đó là chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN. Do đó, trong năm 2017, BHXH TP cũng đã thanh tra tập đoàn Mai Linh và tính đến thời điểm hiện nay, tập đoàn Mai Linh không để nợ quỹ BHXH quá 3 tháng nhưng số nợ của các công ty con chỉ thanh toán nhỏ giọt, không thấm vào đâu so với số tiền nợ “khủng” gần 100 tỷ đồng.
Tương tự như tập đoàn Mai Linh, những công ty nợ lớn đã được BHXH khởi kiện, thi hành án trước năm 2016. Sau thời điểm trên, chúng tôi phối hợp với thanh tra sở LĐ-TB-XH TP.HCM thực hiện thanh tra pháp luật lao động trong năm 2016. Cơ quan BHXH tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ ngày 1/1/2018 đối với đơn vị bị xử lý vi phạm hành chính lần thứ hai, cơ quan BHXH sẽ hoàn thiện hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để khởi tố hình sự.
PV: Đến nay, BHXH TP mới chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp (công ty Nam Phương) do chủ bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Trong khi đó còn rất nhiều trường hợp nợ lớn, thời gian dài… nhưng vẫn chưa chuyển cho cơ quan điều tra, truy tố theo quy định mới của luật BHXH sửa đổi? Bà có thể lý giải?
Bà Nguyễn Thị Thu: Theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự, những đơn vị trốn đóng hay nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị truy tố hình sự. Đồng thời, việc xử lý hình sự đối với tội danh này được thực hiện từ ngày 1/1/2018.
Đối chiếu với quy định trên, công ty Nam Phương đã bị Thanh tra sở LĐ-TB-XH TP ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) năm 2017 và BHXH TP cũng cũng ban hành Quyết định XPVPHC đầu năm 2018 nhưng công ty không thực hiện. Với những hành vi trên, công ty đã cấu thành tội danh vi phạm hình sự như Bộ luật Hình sự đã quy định.
Còn những đơn vị nợ lớn khác, BHXH TP.HCM đang củng cố hồ sơ và sẽ chuyển cho cơ quan công an.
Xuất hiện công ty “ma”
PV: Việc các đơn vị cố tình chây ì đóng BHXH, để nợ phát sinh, kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích của người lao động, tác động đến nhiều mặt đời sống – xã hội. Vậy điều gì đang làm khó quá trình thu hồi nợ BHXH của BHXH TP, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu: Việc thu hồi nợ ở những đơn vị ngoài khu vực Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô hoạt động nhỏ và siêu nhỏ với số lao động ít (dưới 5 lao động) và thường xuyên biến động. Chủ doanh nghiệp không quan tâm đến trách nhiệm phải tham gia BHXH cho người lao động.
Khi có Quyết định thanh tra của cơ quan BHXH do đơn vị nợ, chủ doanh nghiệp gỡ bảng hiệu hoặc dời đi nơi khác không thông báo cho cơ quan Nhà nước, buộc cơ quan BHXH phải ngưng tính số tiền nợ BHXH sau khi có xác minh đơn vị ngưng hoạt động của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH thay đổi địa chỉ hoạt động, hoặc không có người đại diện theo pháp luật tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, cố tình kéo dài thời gian làm việc cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Hiện nay, BHXH TP cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại đúng địa chỉ trên giấy phép, khó khăn trong công tác thu hồi nợ BHXH khi tiến hành thanh, kiểm tra đơn vị.
PV: Việc xử lý nợ đọng BHXH đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu: Hiện nay, tình hình doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể hoặc chấm dứt hoạt động khá phổ biến nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH. Phương án thanh lý tài sản của chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn để giải quyết tiền nợ đóng BHXH cho người lao động rất khó thực thi, bởi vốn đầu tư của các đơn vị này không lớn, tài sản còn lại sau khi thanh lý, thậm chí không trả đủ phần vốn vay của ngân hàng, nên nợ BHXH không được giải quyết.
Hoặc trong một số trường hợp tài sản vốn liếng của doanh nghiệp lớn thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên trước.
Nhiều lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, tập trung ở các doanh nghiệp ngành may mặc, xây dựng. Chủ doanh nghiệp tiến hành giao kết nhiều loại hợp đồng (cộng tác viên, dịch vụ, khoán việc) nhằm né tránh việc thực hiện nghĩa vụ trích nộp của người sử dụng lao động, hoặc có thực hiện nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, BHTN nhưng đóng không đúng thời gian, không đúng mức lương theo chức danh công việc.
Gần 10.000 đơn vị nợ gần 1.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ BHXH TP.HCM, tính đến tháng 8/2018, trên địa bàn thành phố có 9.790 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền là 956 tỷ đồng.
PV: Bà có thể cho biết những giải pháp trong thời gian tới của BHXH TP để giảm thiểu số nợ BHXH đến mức thấp nhất có thể?
Bà Nguyễn Thị Thu: Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, gửi thư đến chủ doanh nghiệp, thông báo về mức lãi chậm đóng hiện nay cao hơn lãi suất vay ngân hàng, mời chủ doanh nghiệp lên làm việc… Đồng thời, cũng cảnh báo sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành và chuyển hồ sơ đơn vị sang cơ quan công an nếu đơn vị không khắc phục số tiền nợ.
Nếu đơn vị vẫn không khắc phục nợ thì sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị nợ. Sau thanh tra, đơn vị không khắc phục sẽ chuyển hồ sơ đơn vị sang cơ quan công an để khởi tố hình sự.
Mặt khác, phối hợp với các cơ quan, sở ngành, UBND quận, huyện trong công tác thanh tra pháp luật lao động và công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến chủ doanh nghiệp và người lao động để hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật BHXH, BHYT cũng như pháp luật lao động.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục công bố danh tính các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!