Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động gồm 7 chương, 187 Điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Không thể phủ nhận việc cần thiết phải có những chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm hành chính, thế nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang “thoi thóp” trước bờ vực phá sản thì việc đưa ra những chế tài có phần nghiêm khắc để xử phạt doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chưa hẳn đã là một giải pháp tốt nhất.
Những mức xử phạt từ 30.000.000Đ đến 75.000.000Đ được áp dụng khá phổ biến trong dự thảo nghị định. Mức phạt này còn được áp dụng với những lỗi mà doanh nghiệp Việt Nam dễ mắc phải như hành vi giữ văn bằng, chứng chỉ gốc của người lao động mức xử phạt lên đến 40.000.000Đ; Hành vi sử dụng lao động chưa qua đào tào nghề nghiệp ...mức xử phạt cao từ 40.000.000Đ đến 75.000.000Đ.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thể cùng một lúc vi phạm nhiều hành vi, nếu cứ chiếu theo “luật định” thì doanh nghiệp lấy tiền đâu để nộp phạt?
Việc đưa ra mức xử phạt được nhiều chuyên gia về kinh tế cũng như chuyên gia pháp luật đánh giá là còn thiếu cơ sở, thiếu căn cứ chưa đi sát với thực tiễn. Mặt khác quy định hành vi vi phạm ghi trong nghị định còn khá là chung chung dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp dễ bị “trù úm” và phải nộp phạt cao.
Bên cạnh mặt tích cực và cần thiết khi ra đời nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động. Dự thảo cần tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân, trong đó có cả các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị trực tiếp chịu ảnh hưởng khi nghị định có hiệu lực thi hành. Có như vậy các quy định pháp luật mới đi vào đời sống xã hội trở thành một hành lang pháp lý vững chắc điều chỉnh các quan hệ lao động chứ không phải chỉ tồn tại là những quy định được ghi nhận trên những trang giấy.
Luật gia Giang Quyết