"Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để đi đầu tư"

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 5, 19/05/2022 21:41

Ông Cấn Văn Lực kiến nghị doanh nghiệp có thể dùng tiền phát hành trái phiếu để đi đầu tư chỗ khác chứ không chỉ dùng tiền vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Tại Diễn đàn “Phát triển Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp hiệu quả và bền vững” chiều ngày 19/5 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề pháp lý của thị trường trái phiếu Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp giúp phát triển thị trường.

Về vấn đề pháp lý, theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết, thực tế pháp lý đã phát triển tương đối nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng thị trường vẫn đòi hỏi những quy định pháp lý cao hơn.

TS Cấn Văn Lực cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang rất tiềm năng. Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025 (trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) và đạt quy mô 58% GDP năm 2030 (trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP). Ông Lực cũng cho biết triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% đến năm 2030.

Tài chính - Ngân hàng - 'Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để đi đầu tư'

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp hiệu quả và bền vững”.

Không những vậy, ông Cấn Văn Lực chỉ ra, Việt Nam có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung - dài hạn. Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000-1.000.000 tỷ đồng vốn trung - dài hạn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.

Đảm bảo thông tin công khai, minh bạch, chính xác

Tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng có chia sẻ về việc sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153), làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, cho tới thời điểm này, chính xác là từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là khá chặt chẽ với nhiều giới hạn.

Thay vào đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức, chúng ta cần tập trung vào 2 vấn đề chính. Thứ nhất, thúc ép xếp hạng tín nhiệm.

“Trước mắt chúng ta quy định theo cách đánh đổi nếu như anh có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1-2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng, đúng vị trí, vị thế, chỗ đứng của nó”, ông Trương Thanh Đức nói.

Thứ hai, ông Trương Thanh Đức cho biết nhiều người nói rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn.

“Quan điểm của tôi là, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác”, ông Đức nhấn mạnh.

Tài chính - Ngân hàng - 'Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để đi đầu tư' (Hình 2).

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác.

Theo ông Trương Thanh Đức, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Ông Đức cho rằng doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu, hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch.

"Mấu chốt thông tin được rõ ràng, minh bạch mọi điều đều được chấp nhận khi công khai. Nếu áp dụng cả quy định cũ và mới, thì đa số các doanh nghiệp sẽ không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp", ông Trương Thanh Đức cho biết.

Về cách thức công khai thông tin, theo ông Trương Thanh Đức, đầu tiên phải đi từ website của công ty công khai thông tin, cùng với đó là công bố trên một số phương tiện thông tin đại chúng để chịu sự giám sát của nhà đầu tư, đại chúng.

"Yếu kém nhất của hệ thống chúng ta là đã không công khai minh bạch, lại không giám sát, kiểm tra kịp thời nên làm cho mọi người mất lòng tin. Do đó, chúng ta phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, nhà nước chỉ là một phần trong giám sát", ông Trương Thanh Đức cho biết.

Bên cạnh đó, ông Đức khuyến nghị thêm: "Nếu sửa quy định pháp luật thì phải sửa cả cơ chế xử phạt, tăng mức độ xử phạt, không giới hạn phạt hành chính, vì nếu giới hạn thì phải xử lý hình sự, mà điều này không tốt khi xử lý các vấn đề kinh tế, bất đắc dĩ mới xử lý hình sự".

Thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN

Còn theo ông Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc tiêu cực diễn ra trong thời gian vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. Đây là một trong những giải pháp để lành mạnh hóa thị trường.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định về tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.

Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.

Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần có giải pháp tăng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành như xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn…

Tài chính - Ngân hàng - 'Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để đi đầu tư' (Hình 3).

Còn theo ông Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc tiêu cực diễn ra trong thời gian vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Đặc biệt, cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn định hạng đối với trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp. Ông Lực cho rằng Việt Nam đang rất thiếu quỹ đầu tư. Ông Lực khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới... "Làm sao để nhà đầu tư cá nhân ai cũng có thể tham gia các quỹ này", ông Lực nói.

Về mục đích sử dụng vốn huy động, ông Cực cho biết doanh nghiệp phản ánh hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn việc đi huy động vốn về chỉ có sản xuất kinh doanh. "Đi vay vốn, phát hành trái phiếu, dùng tiền đó còn để đầu tư vào chỗ khác. Chúng ta cũng cần nhìn những kênh đó, ví dụ như M&A, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp có nghề đầu tư tài chính", ông Lực nói

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.