Hướng tới quản trị dựa trên dữ liệu
Ngày 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Phiên họp nhiều ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp đánh giá, chủ đề năm 2023 “Dữ liệu số” của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số là định hướng rất đúng đắn cho việc khai phá tiềm năng của dữ liệu để tổ chức hoạt động của các cơ quan chính quyền tốt hơn, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, hướng tới làm chủ thực sự công nghệ số và chuyển đổi số.
Với mục tiêu hướng đến quản trị thành phố dựa trên dữ liệu, phục vụ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Ngô Minh Châu cho biết, Tp.đã ban hành Chiến lược quản trị dữ liệu của Tp.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược dữ liệu của Tp.HCM hướng đến mục tiêu khai thác dữ liệu số nhằm quản trị thành phố trên các nền tảng số, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, chiến lược dữ liệu của Tp. sẽ tập trung vào 3 nhóm: Người dân; tài chính-doanh nghiệp; đất đai-đô thị.
Trong năm 2023, bên cạnh triển khai chiến lược quản trị dữ liệu, Tp. sẽ tiếp tục hoàn thiện và vận hành một số nền tảng, khai thác dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Tp., gồm:
Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội theo thời gian thực; hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022;
Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ban ngành, địa phương (DDCI); bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan Thành phố; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố.
Ngoài ra, các ngành của Tp.cũng đã có sự chủ động triển khai các giải pháp phục vụ cho công tác tạo lập, cập nhật, khai thác dữ liệu phục vụ phát triển ngành, phục vụ người dân doanh nghiệp.
Còn theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trong quá trình triển khai thực hiện, từ thực tiễn của địa phương cho thấy, cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi, chia sẻ, khai thác các thông tin trên hệ thống thông tin nguồn toàn quốc (từ Trung ương, các tỉnh) để làm giàu dữ liệu, hình thành Big data, từ đó phát huy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Hiện nay, Bình Phước cũng đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn.
Ngoài ra, Bình Phước rút ra một số bài học kinh nghiệm khác, đó là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là hết sức quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo triển khai góp phần thay đổi cách làm cũ, truyền thống, minh bạch kết quả hoạt động của cơ quan hành chính trong việc phục vụ nhân dân.
Phải xác định chuyển đổi số phải dựa trên các nền tảng số nhằm tạo môi trường cho phép nhiều bên cùng tham gia, cung cấp dịch vụ cho nhiều tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.
Làm chủ thị trường nội địa
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin, bà Vũ Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Be Group nhấn mạnh người Việt cần có ý thức bảo vệ "chủ quyền số" của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau liên kết, tạo nên hệ sinh thái số thuần Việt lớn mạnh, đủ sức mạnh cạnh tranh trên thị trường nội địa, cùng nhau vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Bà Vũ Hoàng Yến cho rằng, cần hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
Trong bối cảnh các siêu ứng dụng, các nền tảng mở nước ngoài không ngừng gây ảnh hưởng tới người dùng trong nước, các doanh nghiệp công nghệ nội địa đạt chuẩn cần được tạo điều kiện hơn nữa để tham gia vào các dự án của Chính phủ, của các bộ, ngành, góp phần chung tay cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số.
Ngoài ra, theo đại diện Be Group, các doanh nghiệp trong nước đang gặp hạn chế lớn về vốn, nên dù ý tưởng kinh doanh có tốt nhưng không có vốn để tăng trưởng. Khi đi kêu gọi đầu tư nước ngoài thì lại vấp phải vấn đề là các chính sách để thu hút vốn từ nước ngoài của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng cho start-up…. Do đó, cần thêm những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp start-up.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, cũng cần có phương án cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp và luật hóa việc kiểm soát dữ liệu người dùng. Thông tin giao thông, hạ tầng vì đó là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng nên liên kết với nhau để nhanh chóng tạo ra những "đại thụ" đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, dẫn tới về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, theo đó các địa phương tập trung vào phát triển dữ liệu phục vụ chuyển đổi số.
Đồng thời, mong muốn Bộ TT&TT là đầu mối hướng dẫn, tổ chức việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu hiện có do các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quản lý nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số tại các địa phương....