Doanh nghiệp đã khốn, nay lại thêm khó

Doanh nghiệp đã khốn, nay lại thêm khó

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Nếu quy định mặc “đồng phục” cho taxi được áp dụng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải cắn răng để lo chi phí sơn lại xe. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc phải "cõng" thêm khoản phí này khiến doanh nghiệp đã khốn nay càng thêm khó. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Khó khả thi

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 91/2009/NĐ - CP, trong đó có nhấn mạnh đến việc quy định màu sơn xe taxi đồng nhất trên cả nước. Theo quan điểm của một số chuyên gia, Nghị định này đã "làm khó" doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo Nghị định cũ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định các hãng taxi phải sơn màu xe đồng nhất trên cả nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tính hiệu quả không cao. Tôi chưa nhận được bản Dự thảo sửa đổi, tuy nhiên nếu Nghị định lần này vẫn quy định việc bắt buộc sơn màu xe taxi đồng nhất trong cả nước như báo chí đã đưa tin thì bất khả thi. Tôi cho rằng, mỗi hãng taxi nên sơn một màu sơn đặc trưng, nghĩa là trên cơ sở màu sơn xe khi mới mua về, chủ các hãng taxi cho sơn thêm vài màu xe để phân biệt hãng mình. Nên sơn trên thân xe chứ không nên sơn lại toàn bộ xe.

Xã hội - Doanh nghiệp đã khốn, nay lại thêm khó

Ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo thống kê của Hiệp hội taxi Việt Nam, cả nước hiện có hàng chục vạn chiếc taxi của nhiều hãng khác nhau, nếu như bắt các hãng phải sơn lại màu xe cho đồng nhất thì sẽ rất tốn kém. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Việc quy định sơn lại màu xe taxi cho đồng nhất trong cả nước rõ ràng sẽ rất tốn kém về vật chất và khó thực hiện trong thực tế. Tôi lấy ví dụ, như hãng taxi Mai Linh có đến hàng vạn chiếc, nếu sơn lại toàn bộ màu xe chắc chắn sẽ ngốn rất nhiều tiền. Không những thế, việc sơn lại sẽ trái với quy định của nhà sản xuất, không thể muốn sơn màu gì thì sơn được. Khi đi đăng ký xe, trong bản đăng ký đã ghi rõ màu sơn xe là màu gì, có phù hợp với nhà sản xuất hay không. Không thể có chuyện anh đăng ký màu đỏ mà xe lưu hành lại là đỏ, vàng, cam được. Thủ tục thay màu sơn rất phức tạp. Tình trạng lộn xộn khó quản lý sẽ không tránh khỏi.

Với quy định này, đã nhiều lần Tổng cục Đường bộ, các hãng taxi, các hiệp hội vận tải có ý kiến đề xuất sửa đổi Nghị định 91. Nếu như Dự thảo Nghị định sửa đổi mới sẽ vẫn quy định về màu sơn đồng nhất cho xe taxi cả nước thì tôi hoàn toàn không đồng tình. Và đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của quy định này.

Nên hạn chế taxi "dù" bằng phù hiệu

Một số người cho rằng, sơn màu xe là để hạn chế taxi "dù", đưa hoạt động của phương tiện này vào khuôn khổ. Ở góc độ cá nhân, ông có những đề xuất gì để hạn chế tình trạng "xe dù" hoành hành?

Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng việc thay đổi màu sơn trên xe không có tác dụng trong việc ngăn chặn taxi "dù". Hiện nay, người ta vẫn phân biệt taxi chính hãng với taxi "dù" bằng phù hiệu taxi. Chẳng ai phân biệt qua màu sơn. Tuy nhiên, năm 2010 không hiểu vì sao UBND TP. Hà Nội lại ngừng cấp phù hiệu taxi cho các hãng. Tôi vẫn cho rằng, phù hiệu taxi là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt giữa taxi chính hãng và taxi "dù".

Nếu trong trường hợp không có phù hiệu taxi thì cũng không nên cứng nhắc quy định màu sơn của xe taxi làm gì. Việc làm đó vừa máy móc, vừa tốn kém cho doanh nghiệp. Việc quản lý taxi bằng màu sơn cũng không làm giảm nạn "xe dù" được. Mỗi xe của các hãng đều có logo của hãng mình, đồng thời đã có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn thì sẽ "hết cửa" để tài xế gian lận. Tôi được biết, Thanh tra giao thông Hà Nội vừa có quy định ghi số điện thoại đường dây nóng của thanh tra lên xe taxi, nếu trong trường hợp lái xe nào gian lận thì khách hàng gọi điện phản ánh ngay với đường dây nóng của Thanh tra Sở.

Một số hãng taxi đề xuất rằng, nên in vạch trên thân xe để tạo đặc trưng của hãng thay vì sơn lại toàn bộ xe như thế vừa dễ nhận biết lại đỡ tốn kém. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, rõ ràng nếu doanh nghiệp sơn lại toàn bộ xe sẽ rất tốn kém mà tính hiệu quả của nó là không cao. Đối với các doanh nghiệp, trên cơ sở màu sơn cũ trên xe, có thể sơn thêm một màu đặc trưng nữa trên thân xe. Điều này không chỉ tạo nét độc đáo, đặc trưng của doanh nhiệp mà thực tế lại phù hợp với quy định của cơ quan chức năng. Nếu vẫn theo quy định cũ, sơn lại toàn bộ màu xe của cả hãng thì tôi cho rằng không ổn.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có đề nghị không nên bắt doanh nghiệp sơn một màu sơn đồng nhất cho xe taxi, không cần sơn lại xe, chỉ cần quy định những mã vạch đặc trưng của hãng là được. Một hãng có ba màu sơn chẳng hạn như trắng, xanh, đen, nếu có sơn thì nên sơn vào đó thêm một màu khác để dễ nhận dạng, chứ không nhất thiết phải sơn lại toàn bộ xe.

Hà Khê - Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.