Doanh nghiệp dệt may thích ứng trước biến động thị trường

Doanh nghiệp dệt may thích ứng trước biến động thị trường

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 4, 25/10/2023 08:48

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm nhằm tạo đà cho sản xuất kinh doanh năm 2024.

Chưa có tín hiệu khả quan

Theo Kinh tế & Đô thị, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi những yếu tố bất ổn về kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm kìm hãm các chỉ tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, đây không phải là nhóm hàng thiết yếu nên tỷ lệ sụt giảm rất cao.

Đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhìn chung, ở những thị trường nói trên đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu yếu.

Đơn cử như thị trường EU, trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9/2023 cũng vẫn có xu hướng giảm do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas giảm mạnh.

Đối với thị trường Mỹ, trong nửa đầu năm 2023, dệt may Việt Nam cũng đã đánh mất 1,3% thị phần. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng cũng chỉ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ.

Xu hướng thị trường - Doanh nghiệp dệt may thích ứng trước biến động thị trường

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa từ internet 

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, doanh nghiệp vẫn luôn cân bằng thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các thị trường khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada... Thế mạnh của May 10 là sơ mi nhưng năm 2023 mặt hàng này lại thiệt hại nặng nhất. Trước đó, mặt hàng sơ mi chiếm tỷ trọng 60% của May 10, nhưng hiện nay chỉ chiếm 39%. Để ổn định sản xuất, kinh doanh, May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi. 

Thực tế, xu thế và hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến thị trường. Bởi tại Mỹ hiện có xu thế làm việc từ xa (work from home), không dùng sản phẩm thời trang công sở như áo sơ mi khi đi làm. Có khách hàng chia sẻ với May 10, doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí từ điện, nước, bộ phận văn phòng, thiết kế làm việc tuần 2 buổi, còn IT và kế toán 2 tuần đến công ty 1 lần. Với xu thế này thực sự ảnh hưởng tới sức mua, khó kích cầu. Điều này đặt May 10 vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh để nắm bắt cơ hội xoay chiều trong khó khăn.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Phú Cường cho biết, chưa khi nào doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn như hiện nay, bởi thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm… Tại May Nhà Bè, doanh nghiệp yêu cầu mỗi người, mỗi bộ phận cần phải đột phá, sáng tạo trong điều hành và quản trị.

Tăng năng suất, chú trọng chất lượng sản phẩm

Theo báo Công thương, quý IV/2023, thị trường dệt may thế giới được đánh giá có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát tại EU tháng 9/2023 giảm 4,3%.

Về xuất khẩu dệt may của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2023 sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ; ngành khăn-gia dụng tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành may có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi, đặt hàng…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may là công tác thị trường, năng suất lao động và bị cạnh tranh nặng nề bởi các quốc gia đối thủ.

Ông Trần Hữu Phong- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng cho rằng, các đơn vị cần xác định lại thị trường rõ ràng hơn, có quyết tâm với mục tiêu đề ra. Đối với doanh nghiệp có thị trường, cần cải thiện chất lượng để khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế nhận định, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh rất lớn về giá. Giá cũng sẽ không tốt hơn bình quân giá 6 tháng cuối năm 2023.

Khách hàng sẽ yêu cầu giao hàng nhanh và rất nhanh, đơn hàng ít, độ phức tạp của sản phẩm cũng cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu rất khắt khe. Khách hàng rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm và lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp tác lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm tới năng suất lao động, đầu tư thiết bị tự động hóa nhiều hơn, sâu hơn, kịp thời hơn. Đồng thời doanh nghiệp cũng quan tâm tới cách thức quản trị, nâng cao tay nghề công nhân.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên- CTCP (May Hưng Yên) cho rằng, tình hình thị trường thế giới hiện nay rất khó khăn, giá dầu, chất đốt, lương thực đều tăng làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may.

Năm 2024 đơn giá sản xuất mặt hàng gia công khó mà tăng, thậm chí còn giảm. Vì vậy, May Hưng Yên bắt đầu định hướng, nghiên cứu tiếp tục nâng cao năng suất, nhận làm cả đơn hàng chất lượng cao và đơn hàng gia công, bảo hộ lao động. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần đầu tư tự động hóa cao, nâng cao năng lực của người lao động, giảm một số chi phí quản lý vốn…

Đại diện cho doanh nghiệp ngành sợi, bà Trần Thị Kim Chi- Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài cho rằng, thời gian tới phải tính toán thận trọng, cần tiếp tục sản xuất sợi chất lượng cao, tốt, tiết giảm chi phí, lựa chọn khách hàng. Đặc biệt, Phú Bài bám sát thị trường, nhận thấy mặt hàng nào đang cần sẽ tăng cường sản xuất. Với quan điểm như vậy, năm 2024 Phú Bài không quá chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình biến động khó lường như hiện nay.

Trước những khó khăn và thách thức cho những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, trong xu thế bất định hiện nay, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị. Khi nghiên cứu thị trường cần xác định ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh các đơn hàng.

Với khoảng cách khá lớn về năng suất lao động giữa các doanh nghiệp may, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, cần sớm thu hẹp để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng đó, cần đẩy nhanh, mạnh các giải pháp như số hóa, tổ chức sản xuất khoa học, tìm kiếm thị trường… Có như vậy, năm 2024, doanh nghiệp mới phần nào khắc phục được khó khăn.

Đào Vũ (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.