Ngành hàng không Việt Nam thời gian vừa rồi liên tục chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc tăng cao và các nguồn lực tài chính dần cạn kiệt.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, tổng số chuyến bay khai thác là 105.384 chuyến, tương ứng với mức giảm 29,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã làm các hãng bay gần như "đóng băng".
Các hãng chỉ cầm chừng hoạt động với chuyến bay chở hàng và các chuyến bay kết hợp chở hành khách là công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan, như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương, công dân di chuyển giữa hai địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội. Điều này kéo theo việc các doanh nghiệp dịch vụ hàng không chịu thua lỗ.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, HOSE: MAS) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 69% so với mức 15,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Hầu hết chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính và các thu nhập khác chỉ đạt mức thấp. Tính chung, quý III/2021 Masco lỗ 6,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 5,1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Masco ghi nhận doanh thu thuần 36,5 tỷ đồng, giảm 50% so với mức 72,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Công ty thua lỗ 14,2 tỷ đồng, tăng 2,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Masco đặt kế hoạch doanh thu giảm 8%, lợi nhuận sau thuế âm 12,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã đã vượt mức lỗ kế hoạch 12,5 tỷ đồng đề ra cho năm 2021.
Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện Masco cho biết lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không của công ty này bị thu hẹp vì giãn cách. Đồng thời, các lĩnh vực khác như taxi, thương mại, đào tạo nghề cũng bị tác động nặng bởi Covid-19, trong đó mảng taxi đã phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 12/5/2021.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Masco tính đến ngày 30/9/2021 là 78,7 tỷ đồng, giảm 21,3% so với mức 95,5 tỷ đồng đầu năm. Nợ phải trả là 50,8 tỷ đồng, giảm 5,3% so với mức 53,5 tỷ đồng hồi đầu năm.
Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (HOSE: NCS) cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu thuần chỉ đạt 27,1 tỷ đồng, giảm 66% so với mức 45 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Giống Masco, hầu hết chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng của NCS cũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ hoạt động tài chính và các thu nhập khác đạt mức thấp. Điều này dẫn đến khoản lỗ 25,1 tỷ đồng của quý III/2021. Đây là quý thứ 6 liên tiếp NCS kinh doanh thua lỗ. Cùng kỳ năm trước, NCS lỗ 25,5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, NCS đạt doanh thu thuần 102,8 tỷ đồng, giảm 84,9% so với mức 190,1 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. NCS ghi nhận lỗ 68,7 tỷ đồng, tăng 59% so với mức 43,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Tổng tài sản của NCS tính đến ngày 30/9/2021 là 519,2 tỷ đồng, tăng 10,1% so với mức 572,1 hồi đầu năm. Nợ phải trả là 434,9 tỷ đồng, tăng 3,6% so với mức 419 tỷ đồng đầu năm.
Trong năm 2021, NCS dự kiến lỗ 79 tỷ đồng, sau 9 tháng đầu năm, đã "hoàn thành" 87% kế hoạch lỗ. Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện NCS cho biết 9 tháng đầu năm 2021, tình hinh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn năm 2020, ảnh hưởng đến 3 quý kinh doanh của năm 2021.
Tuy nhiên, NCS kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ phục hồi từ năm 2022 và đặt mục tiêu 34 tỷ đồng lợi nhuận. Giai đoạn 2023 -2025 trở đi, doanh thu mỗi năm của công ty tăng trưởng ổn định 5,5-6%/năm. Theo đó, lợi nhuận năm 2023 đạt 44 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước, lợi nhuận năm 2024 đạt 53 tỷ đồng, năm 2025 đạt 59 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp dịch vụ hàng không chỉ có thể phục hồi trở lại khi các hãng hàng không được bay trở lại. Việc phục hồi ngành hàng không quyết định lớn đến tương lai của các doanh nghiệp dịch vụ này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết: "Cơ hội phục hồi ngành hàng không lớn do nhu cầu đi lại sẽ tăng cao sau khi khống chế được dịch bệnh". Theo ông, điểm mấu chốt để phục hồi ngành hàng không sắp tới vẫn là triển khai tốt việc tiêm vắc-xin và mở rộng "vùng xanh".