24 cá nhân, doanh nghiệp lấn chiếm
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, nhiều nơi trong KNĐTTB Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) liên tục bị các doanh nghiệp đua nhau lấn chiếm. Không chỉ khu vực bờ kè, không gian, các đơn vị này còn xây dựng luôn cầu cảng ra bờ sông, nơi vốn dành do tàu thuyền neo đậu khi có bão cũng như neo đậu trong khi không ra khơi đánh bắt.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là KNĐTTB được xây dựng phía dưới khu công nghiệp Sông Đốc. Các doanh nghiệp trên khu công nghiệp do nhu cầu hoạt động đã lấn chiếm trái phép phần đất và mặt nước KNĐTTB. Việc lấn chiếm này đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Hiện nay, có khoảng 24 cá nhân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đã lấn chiếm trên 5.000m² đất phía trên bờ kè, hơn 4.000m² cặp mé sông dưới bờ kè của khu neo đậu; hơn 4.000m² dọc theo đường dẫn;…
Theo báo cáo về quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão của sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Đốc có nhiều vi phạm gồm: Hãng nước đá Quang Bình, nhà máy sơ chế thuỷ sản Tuyết Xương, cơ sở Bình Minh, xưởng Cơ khí Phước Thành, nhà máy bột cá Duy Lợi, nhà máy bột cá Khải Hoàn, nhà máy Biển Tây, nhà máy Mỹ Thuyền, nhà máy bột cá Bích Khải... Mặc dù ngành chức năng đã có kiểm tra, lập biên bản nhưng tình hình vẫn không tiến triển.
Điển hình như công ty Quang Bình lấn chiến trên 400m2 đất phía trên bờ kè để xây sân bê tông, nhà kiên cố, sân trước nhà và lấn chiến trên 470m2 phía dưới sông làm cầu bê tông cốt thép...
“Nhiều giải pháp khắc phục”
Liên quan đến việc lấn chiếm KNĐTTB Sông Đốc, cơ quan chức năng đã xem xét đề ra các biện pháp giải quyết nhưng chưa thực hiện được. Việc giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu của KNĐTTB là cần thiết nhưng trong thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để đảm bảo hài hòa giữa hoạt động của khu trú bão và doanh nghiệp nên cho các doanh nghiệp được thuê phần diện tích đã lấn chiếm (riêng phần bờ kè vẫn phải để lưu thông thông suốt nhằm đáp ứng cho việc kiểm tra, vận chuyển).
Đồng thời, các doanh nghiệp thuê phần đất lấn chiếm phải trả lại chi phí xây dựng phần bờ kè mà đơn vị thuê để dùng chi phí này vào việc xây lại các trụ neo đậu tránh trú bão tại địa điểm khác.
Đối với cảng cá, bến cá, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra với các bến lên hàng thủy sản tự phát để đảm bảo hoạt động đúng quy định, đáp ứng về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…có chế tài và cấm hoạt động đối với các điểm không thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh xem xét có quy định tại các địa bàn có xây dựng các cảng cá, bến cá thì hàng thủy sản chỉ được phép lên, xuống, bốc xếp, vận chuyển tại các cảng cá, bến cá; chỉ đạo chính quyền địa phương chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, tuyên truyền vận động người dân, có biện pháp xử lý kiên quyết những trường hợp không chấp hành các quy định.