Doanh nghiệp dùng chiêu “giả chết” để né tội

Doanh nghiệp dùng chiêu “giả chết” để né tội

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 2, 31/07/2017 16:18

Khi biết hàng cấm bị phát hiện tại các cửa khẩu, đối tượng buôn lậu tìm mọi chiêu trò để rũ bỏ trách nhiệm. Họ không đến làm thủ tục, từ chối nhận hàng, không đến kiểm chứng việc khám xét,… Nhiều doanh nghiệp (DN) còn “giả chết” để né trách nhiệm.

Tung chiêu hòng chạy tội

Công ty TNHH Tân Phụng Hoàng (TP.HCM) mở tờ khai nhập lô hàng máy lọc nước có xuất xứ từ Trung Quốc trị giá gần 80 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành chuyển luồng kiểm tra, công ty này có văn bản xin từ chối nhận lô hàng nói trên với lý do đối tác vừa thông báo gửi nhầm hàng.

Khước từ văn bản nói trên, cơ quan hải quan yêu cầu công ty TNHH Tân Phụng Hoàng làm các thủ tục để kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, DN không hợp tác.

Sau nhiều lần gửi giấy mời, cơ quan chức năng tiến hành khám xét toàn bộ lô hàng và phát hiện 15 chiếc xe đạp điện, 19 chiếc xe đạp và 7 chiếc xe gắn máy. Tất cả số hàng này đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Sau khi phát hiện sai phạm, chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi buôn lậu đối với công ty Tân Phụng Hoàng. Đây chỉ là một trong những trường hợp ít ỏi bị khởi tố hình sự khi xác định được chủ lô hàng cấm.

Trong khi đó, tại các cảng của TP.HCM còn hàng trăm lô hàng vi phạm đang tồn đọng. Số lô hàng này đều vô chủ hoặc khi tiến hành xác minh, chủ DN thực hiện hàng loạt chiêu trò để từ chối nhận hàng, trong đó nổi lên chiêu thức “giả chết”.

Xã hội - Doanh nghiệp dùng chiêu “giả chết” để né tội

Hiện, chiêu thức "giả chết" đang được một số đối tượng buôn lậu sử dụng.

Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH Bảo Long, địa chỉ tại quận Gò Vấp (TP.HCM) nhập lô hàng được khai báo hải quan là lưới bảo vệ bằng thép mới 100%, xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, khi hải quan phát hiện có nghi vấn, công ty này lập tức có công văn từ chối nhận hàng.

Sau một thời gian, cơ quan hải quan củng cố hồ sơ tiến hành xem xét khởi tố hình sự vụ án thì phát hiện DN này đã “chết”. Theo nguồn tin riêng của PV, DN đã chuyển sang địa bàn khác, lấy một tên khác để hoạt động.

Ngoài kiểu “chết” trên, các DN còn chọn cách “chết lâm sàng” để tiếp tục nhập hàng cấm. Công ty TNHH TMDV Nhật Phát (TP.HCM) nhập 2 container hàng cấm từ Nhật Bản về cảng Cát Lái. Phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cơ quan hải quan thông báo sẽ đưa vào giám sát trọng điểm, công ty này không đến nhận hàng.

Đến khi cơ quan chức năng thực hiện giám sát trọng điểm, công ty Nhật Phát cũng không đến chứng kiến. Quan trọng hơn, chỉ sau một thời gian ngắn, đại diện công ty lại đến làm thủ tục xin quá cảnh 1 container tương tự như 2 container hàng sai phạm nói trên.

Tương tự, công ty TNHH NB Sài Gòn cũng khai báo lô hàng là ống thép nhưng thực chất bên trong là lô hàng điện lạnh đã qua sử dụng nhập về từ Nhật Bản. Cũng với chiêu thức trên, họ từ chối nhận hàng, cho rằng đối tác gửi nhầm. Sau đó, đại diện công ty cũng “bặt vô âm tín”.

PV tìm đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty TNHH NB Sài Gòn trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình, TP.HCM) phát hiện không hề có công ty nào như trên.

Nhiều hệ lụy

Thực tế cho thấy, qua theo dõi, cục Thuế TP.HCM cho biết, có gần 100.000 DN đăng ký kinh doanh nhưng không kê khai thuế. Nhiều DN cứ nợ đọng thuế là thành lập DN mới hoặc chuyển sang địa bàn khác hoặc hoạt động không đúng địa chỉ kinh doanh đã đăng ký.

Để làm rõ thông tin trên, PV tìm đến công ty TNHH TMDV Huỳnh Yến, địa chỉ ghi trên giấy phép ĐKKD là 172/12/2 Nguyễn Bặc (phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM). Đến nơi, PV chỉ thấy một cửa hàng mua bán quần áo, nhân viên bán hàng khẳng định ở đây không hề có công ty nào như PV mô tả.

Tương tự, địa chỉ công ty TNHH Đại Tín Nghĩa ở 114 Đinh Điền (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), là cửa hàng thực phẩm, gạo...

Xã hội - Doanh nghiệp dùng chiêu “giả chết” để né tội (Hình 2).

Khi bị phát hiện là hàng cấm, các chủ hàng đều bịa lý do là đối tác gửi nhầm.

Một cán bộ hải quan TP.HCM cho biết: “Các DN kiểu như trên đa số được thành lập để buôn lậu. Khi bị phát hiện, họ lấy lý do “đối tác gửi nhầm” để từ chối nhận hàng. Có trường hợp khi phát hiện lô hàng cấm, cơ quan hải quan đã đến tận nơi địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của giám đốc hoặc người đại diện pháp luật, phối hợp với công an, chính quyền địa phương để truy tìm nhưng vẫn không thu được kết quả gì”.

Cũng theo vị cán bộ nói trên, các tình huống xảy ra đều nằm ngoài dự kiến của cơ quan chức năng. Có trường hợp, DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (DN ma), có trường hợp giám đốc hay người đại diện pháp luật không cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu. Thậm chí, chức năng giám đốc nhưng người này lại không hề hay biết mình là giám đốc của DN.

Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Khi lô hàng có vấn đề và được đưa vào diện nghi vấn, ngoài các DN là chủ lô hàng đã né bằng cách không đến làm việc còn có DN đã “chết lâm sàng”. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng lại tiếp tục nhập khẩu các lô hàng tương tự hoặc thành lập DN mới để hoạt động. Cơ quan chức năng rất khó xác định được chủ hàng để truy cứu trách nhiệm”.

Cần bổ sung các quy định, cơ sở pháp lý

Một cán bộ đội Kiểm soát hải quan, cục Hải quan TP.HCM cho rằng: Các đối tượng sử dụng chiêu thức nói trên để hoạt động buôn lậu, nhập khẩu hàng cấm là có sự sắp xếp, chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần bổ sung các quy định, cơ sở pháp lý để ràng buộc DN và người đại diện pháp luật của DN khi nhập khẩu, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.

Thanh Tùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.