Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023 do UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì, một số doanh nghiệp băn khoăn khi chi phí cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay khá lớn, chiếm tới 30% trên tổng mức đầu tư.
Ông Ngô Đình Vạn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Lộc Sơn Hà chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đang dự định xây nhà xưởng khoảng 1.000m2. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, ông nhận thấy, chi phí cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chiếm khá lớn trong tổng thể mức đầu tư xây dựng.
Theo đó, nếu xây nhà kho hết 3 tỷ đồng thì doanh nghiệp phải bỏ thêm cả tỷ đồng cho chi phí PCCC theo quy định mới hiện nay. Ông Vạn cho rằng, chi phí này là quá lớn đối với một doanh nghiệp đang khởi sự kinh doanh.
Vì vậy, ông Ngô Đình Vạn kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp hướng dẫn cụ thể về công tác PCCC sao cho phù hợp với công năng sử dụng, điều kiện thực tế của doanh nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Còn theo ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, hội nhận nhiều trăn trở của các hội viên về việc trang bị hệ thống PCCC theo quy định hiện hành.
Ông Thanh cho rằng, quy định PCCC trong các cơ sở sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, những năm gần đây, quy định lại thay đổi liên tục. Từ năm 2021 đến nay, quy định về PCCC đã thay đổi đến 3 lần, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Bên cạnh đó, các quy định mới về PCCC hiện nay chưa phù hợp với kinh tế xã hội. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk có quy mô nhỏ và vừa. Trước biến động của nền kinh tế buộc họ phải linh động thích ứng để tồn tại. Thế nhưng, khi thay đổi quy định thì lại vướng vào vấn đề thay đổi công năng.
Trên cơ sở đó, ông Thanh kiến nghị các cơ quan ban ngành cần căn cứ vào tình hình thực tế để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hướng dẫn triển khai công tác PCCC phù hợp, giảm bớt chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trả lời những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho hay, công tác PCCC hết sức quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản, an ninh trật tự. Do đó, những vấn đề thực tiễn đặt ra cần có sự thay đổi.
Theo vị lãnh đạo này, việc áp dụng tiêu chuẩn PCCC khi có sự thay đổi về quy định thì thực hiện theo hai trường hợp. Trường hợp các công trình đã thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo tiêu chuẩn cũ và đi vào hoạt động. Trong quá trình hoạt động không cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC. Khi có tiêu chuẩn PCCC mới thì không phải áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới đó.
Trường hợp các công trình đã thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo tiêu chuẩn cũ và đã đi vào hoạt động trong quá trình sử dụng có cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình thì phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020 của Chính phủ và áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành tại thời điểm đó.
Khánh Ngọc