Ba mã cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương; IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đều nằm trong "hệ sinh thái" Apec.
Cả ba mã cổ phiếu này đã “làm mưa làm gió” trên thị trường thời gian qua khi tăng phi mã bắt đầu từ giữa tháng 8 và lập đỉnh lịch sử vào giữa tháng 11. Cụ thể, chỉ trong vòng 3 tháng, API tăng từ 20.000 đồng lên 102.000 đồng/cp, tăng gấp hơn 5 lần; cổ phiếu IDJ tăng từ vùng giá 12.000 - 13.000 đồng có lúc đến 75.000 đồng/cp, gấp 6 lần trong vòng hơn 4 tháng. Cổ phiếu APS cũng tăng giá từ vùng 10.000 đồng cuối tháng 7 lên 59.900 đồng/cp vào giữa tháng 11, gấp 6 lần.
Tuy nhiên, sau thời gian tăng nóng, cả ba mã cổ phiếu API, APS, IDJ đều quay đầu giảm trong bối cảnh điều chỉnh của toàn thị trường.
Lợi nhuận tăng mạnh
Về kết quả kinh doanh, tại API, công ty này công bố kết quả kinh doanh tháng 10 và tháng 11 với doanh thu đạt 303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 92 tỷ đồng, gấp 4,35 lần lợi nhuận cả quý IV/2020.
Trong đó, phần lớn doanh thu API đến từ 2 dự án bất động sản đang trong giai đoạn bàn giao là Khu đô thị APEC Royal Park Huế và Dự án APEC Aqua Park Bắc Giang.
Lũy kế 11 tháng năm 2021, API ghi nhận doanh thu 907 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 193 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Theo phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường 2021 hồi đầu tháng 11, API đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 580 tỷ đồng lên 946 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 78 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng. Như vậy, API đạt 95,8% chỉ tiêu doanh thu và 91,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đối với APS, công ty chứng khoán này lợi nhuận trước thuế lũy kế đến 30/11/2021 đạt 520 tỷ đồng, EPS của 11 tháng đạt 5.333 đồng /cổ phiếu, lọt vào top cao nhất trong các công ty chứng khoán, chủ yếu nhờ vào hoạt động tự doanh.
Cụ thể, bên cạnh các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Apec như cổ phiếu IDJ hay API thì APS còn nắm giữ danh mục cổ phiếu gồm DPG, NBB, CII và đặc biệt cổ phiếu CEO. Đây đều là các cổ phiếu có sự tăng trưởng ngoạn mục khi tăng gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua.
Đối với IDJ, bất chấp hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường khó khăn và chật vật, thậm chí thua lỗ, giảm lãi vì dịch Covid-19, riêng IDJ vẫn kinh doanh rất tốt.
Riêng tháng 11/2021, IDJ ghi nhận doanh thu tháng đạt 74,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27,6 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tỉ trọng doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động bán hàng dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn, còn lại đến từ mảng cho thuê TTTM, văn phòng, thi công xây dựng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu IDJ tăng gấp 4,37 lần và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 4,29 lần.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, đơn vị này ghi nhận doanh thu hơn 738 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 224 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/11, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của APS có điều chỉnh từ mức lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng lên mức 500 tỷ đồng nhưng kết thúc tháng 11, APS đã hoàn thành 104% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Năm 2021, IDJ đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.067 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 281 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 11/2021, IDJ đã thực hiện được 69% kế hoạch doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, dòng tiền người mua trả tiền trước của IDJ hiện đã ghi nhận 1.593 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đang mở bán giai đoạn 3 của dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né với doanh thu dự kiến 600 tỷ đồng. Đây là nguồn tiền bổ sung cho quỹ tiền mặt của IDJ thêm vững mạnh, giúp doanh nghiệp thực hiện các thương vụ M&A tầm cỡ trong thời gian tới.
Kế hoạch tăng vốn, triển khai loạt dự án
Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Apec có kế hoạch phát triển dự án tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tăng vốn bổ sung thêm nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh để mở rộng thêm dịch vụ và nguồn thu trong năm 2022.
Cụ thể, tại APS, tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, HĐQT APS đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng, bằng việc phát hành 166 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỉ lệ thực hiện quyền 1:1, giá chào bán không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn vốn thu được dự kiến bổ sung vào nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, nguồn vốn tự doanh và vốn lưu động.
Còn với IDJ, hiện là chủ đầu tư của của hàng loạt dự án, tập trung chính ở phân khúc Bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, Apec Diamond Park Lạng Sơn, dự án chiến lược của IDJ có quy mô 5,5 ha, các công trình tiện ích hiện đã hoàn thiện xong 100% hạ tầng và thực hiện bàn cho khách hàng, bắt đầu đón những cư dân đầu tiên về sinh sống. Dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương cũng đang trong quá trình bàn giao. Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né cũng đang được tích cực hoàn thiện, giữ vững tiến độ thi công. Hiện dự án đã hoàn thiện hạ tầng và kết cấu 4 khối khách sạn chính, dự kiến sẵn sàng bàn giao vào quý III/2022 theo đúng kế hoạch. Đây là các dự án tiềm năng đang đến mùa “thu hoạch”, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận chắc chắn cho IDJ trong giai đoạn 2021 - 2022.
Với API, năm 2022 sẽ tiếp tục triển khai tòa cao tầng thứ 2 tại Bắc Giang với hơn 500 căn hộ siêu sang cho các chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, API sẽ đi vào triển khai giai đoạn 2 dự án khu công nghiệp tại Đa Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh với quy mô 34,5 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ.
Ngoài ra, API đã được UBND Tp. Yên Bái phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết dự án khu đô thị sinh thái 67,6 ha với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
Và hai dự án APEC Golden Palace Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 1000 tỷ đồng, dự án APEC Dubai Tower Ninh Thuận cũng được API triển khai song song với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng.
Vào ngày 18/1/2022, API sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để báo cáo kết quả hoạt động và chiến lược kinh doanh 2022, thông qua các phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
API được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới sau thời gian tích lũy ngắn hạn. Không chỉ riêng API mà còn cả APS và IDJ, với những kế hoạch triển vọng trong tương lai, liệu cổ phiếu của họ nhà Apec có trở lại đường đua?