Doanh nghiệp khẩn trương khắc phục khó khăn để tái khởi động sản xuất

Chủ nhật, 15/09/2024 08:17

Với mục tiêu mỗi người làm việc bằng hai, nhiều biện pháp khắc phục khó khăn đang được các doanh nghiệp tận dụng tối đa để tái khởi động sản xuất sau bão số 3.

Gấp rút dọn dẹp tái khởi động sản xuất

Theo VTV, ngay sau khi mưa bão đi qua và ngập úng rút dần, hoạt động dọn dẹp để tái khởi động sản xuất đã được khẩn trương thực hiện tại nhiều địa bàn.

Doanh nghiệp khẩn trương khắc phục khó khăn để tái  khởi động sản xuất- Ảnh 1.

Công nhân dọn dẹp sau bão số 3 để tái khởi động sản xuất.

Tại một dây chuyền trộn cám chăn nuôi, bình thường có thể sản xuất 2,5 tấn/giờ, phục vụ tại chỗ cho đàn lợn khoảng 1 nghìn con ở trang trại ông Đức. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã làm hất tung mái nhà xưởng, nước ngấm vào toàn bộ dây chuyền nên hiện phải dừng hoàn toàn. Dù đã nhiều lần liên hệ thợ máy đến sửa chữa nhưng do khối lượng máy móc, nhà xưởng hỏng hóc sau bão trên địa bàn quá lớn nên xưởng của ông Đức vẫn chưa đến lượt.

"Chúng tôi phải thay thế sang một máy trộn cám nhỏ, công suất có thể chỉ bằng 1 phần 10, đồng thời phải mua thêm cám bên ngoài. Nấm mốc rồi dịch bệnh theo dòng nước sau mưa bão nên phải tăng cường kiểm tra khử trùng" - ông Vũ Tiến Đức, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp, Hải Phòng chia sẻ.

Còn tại một xưởng chế biến thuỷ sản, từ hôm tan bão đến nay, mỗi ngày anh Tâm liên tục kiểm tra độ đạm của hàng trăm bể nước mắm. Các công nhân cũng được huy động tối đa để liên tục đảo mắm, làm đều độ đạm sau khi bể bị ngấm nước mưa, với hy vọng vớt vát được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng cũng có những bể nguyên liệu đã không thể cứu vãn.

Doanh nghiệp khẩn trương khắc phục khó khăn để tái  khởi động sản xuất- Ảnh 2.

Ông Vũ Anh Tâm - Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải, Hải Phòng.

Ông Vũ Anh Tâm - Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải, Hải Phòng - cho biết: "Hơn 1 nghìn tấn cá vừa đưa vào ủ muối giờ bị ngấm nước mưa thì bây giờ chúng tôi phải bổ sung thêm muối vào để xem khăc phục đc bao nhiêu %. Nhưng nói chung chất lượng sẽ bị ảnh hưởng ít nhất 20 - 30%, vì thế mà thay vì làm sản phẩm cấp cao thì giờ khắc phục làm cấp thấp thôi".

Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 3. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp khắc phục khó khăn, một số ngân hàng đang huy động tối đa nhân lực để nhanh chóng thẩm định thiệt hại, qua đó khẩn trương áp dụng giải pháp giãn nợ, giảm lãi vay và không thu nợ bằng mọi cách.

Hiện nhiều nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phía Bắc cũng có nguy cơ gián đoạn do một phần lớn đã bị cuốn trôi. Nhiều cơ sở đang lên phương án điều chỉnh nhịp độ sản xuất, điều phối với các đầu mối phía Nam chia sẻ nguyên liệu, thậm chí là chia sẻ đơn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường cao điểm cuối năm.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp khẩn trương khắc phục khó khăn để tái  khởi động sản xuất- Ảnh 3.

Ngành ngân hàng kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau bão.

Theo Lao động, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…

Trong số các ngân hàng thương mại, Agribank là nhà băng đi đầu trong việc cấp tín dụng đối với nông lâm thủy sản, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thiên tai.

Theo số liệu thống kê ban đầu, đến nay, Agribank có hơn 12 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 21 nghìn tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Một số địa phương vẫn bị mất điện, giao thông bị chia cắt chưa liên lạc được nên ngân hàng tiếp tục thống kê con số thiệt hại.

Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5%/năm giai đoạn từ 6/9 đến 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; với dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng, gần 20.000 khách hàng được hưởng. Chương trình này áp dụng cho cả dư nợ hiện hữu và dư nợ vay mới.

Hai ngân hàng BIDV và VietinBank cũng đang đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi,... ban hành gói tín dụng với mức lãi suất và quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão, theo VietNamNet.

KHÁNH LINH (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.