Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là đứng yên
Phát biểu quan điểm của mình trong Hội thảo mang tên "Chuyển đổi số (CĐS) - Nghề của tương lai" diễn ra vào sáng 6/11, Shark Nguyễn Hoà Bình - Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhận định: "Công nghệ số đang bao trùm lên toàn bộ cuộc sống hàng ngày của con người hiện nay".
Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp không nhận thức được môi trường đang thay đổi như vậy, ông cho rằng họ là những "chú ếch" trong câu chuyện nổi tiếng "chú ếch và nồi nước sôi".
Một chú ếch được thả vào một nồi nước lạnh, nồi nước không hề đậy vung và sau đó được đặt lên một cái bếp. Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ếch không hề có phản ứng gì. Nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ khiến chú ếch thích nghi dần và không hề nhận ra có sự thay đổi.
Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó, vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi. Cuối cùng, đến lúc nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã bị luộc chín trong nồi nước.
Từ đó, ông cho rằng, điều đáng sợ nhất trong cuộc sống không phải là những thử thách hay sự thay đổi, mà chính là sự đứng yên. Cuộc sống không có chỗ cho những người đứng yên để nhìn ngắm nó, chúng ta buộc phải hành động, không tiến thì chắc chắn sẽ lùi và bị đào thải khỏi thị trường.
Theo Shark Bình, chuyển đổi số đã và đang thay đổi thậm chí tiêu diệt 85% số nghề nghiệp trong xã hội, đối với các doanh nghiệp biết tận dụng chuyển đổi số thì sẽ tăng được 60% năng suất lao động.
Ông lấy ví dụ về câu chuyện rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã bị sụp đổ trong thời gian vừa qua, do không thích ứng kịp với xu thế thị trường như: Forever 21 - chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng, Thomas Cook - đại lý du lịch lớn nhất Châu Âu, Toy “R” Us - chuỗi cửa hàng đồ chơi thành lập từ năm 1948, các hãng taxi truyền thống đang bị đẩy lùi thậm chí tiêu diệt.
Chuyển đổi số - Ngành nào biết nắm bắt, ngành đó sẽ thành công
Từ đó, Shark Bình vẽ ra một bức tranh toàn cảnh, tất cả các ngành đang bị tác động bởi quá trình CĐS như thế nào, đặc biệt là ở Việt Nam.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các nạn nhân của chuyển đổi số như: đại lý du lịch truyền thống bị thay thế bởi các công cụ tìm kiếm như google, đặt phòng online, vé máy bay online,... Hay trong 5 năm vừa qua, tất cả cơ quan truyền thông đại chúng truyền thống đang trên đà sụt giảm doanh thu liên tiếp, các doanh thu đó đang chuyển qua tất cả nền tảng số về giải trí, truyền thông như báo điện tử, Youtube, Facebook, Tiktok…
Một minh chứng rõ ràng khác từ Covid-19, ngành F&B, trong 2 năm vừa qua đã chứng kiến cảnh đóng cửa, phá sản hàng loạt, thế nhưng thương hiệu nào biết tận dụng công nghệ, CĐS, hay biết cách tận dụng cơ hội từ mạng xã hội hay sàn TMĐT, bán hàng qua ứng dụng hay dịch vụ vận chuyển thì vẫn có thể duy trì thậm chí là phát triển tốt.
Mặt khác, ngành ngân hàng cũng là ngành càng ngày càng bị đào thải mạnh mẽ bởi quá trình chuyển đổi số. Bởi, thay vì các ngân hàng mở ra rất nhiều các chi nhánh, nhân viên, thì giờ họ đã dần chuyển đổi sang ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, giao dịch trực tuyến, cắt giảm dần số lượng nhân viên để chuyển lên các nền tảng số.
Hơn nữa, bản thân chính ngành ngân hàng cũng bị các ứng dụng, nền tảng số đe dọa như các phương thức ví online, app thanh toán online, thậm chí vay, thế chấp online thông qua các nền tảng kết nối trực tiếp giữa người có tiền cho vay và người cần vay. Tiếp tục, cơn sốt tiền mã hoá cũng là một trong những mối đe dọa tiềm tàng thậm chí tiêu diệt những nghề nghiệp liên quan đến ngân hàng.
Thậm chí, ngành mang tính truyền thống cao mà chúng ta không nghĩ đến việc bị tác động bởi CĐS quá nhiều như ngành cảnh sát giao thông, hiện nay các camera thông minh lắp ở mọi tuyến đường để tiến hành xử phạt nguội, lúc đó nhu cầu CSGT đứng xử phạt tại chỗ sẽ có sự sụt giảm, dẫn đến thực trạng cắt giảm nhân lực là điều cần thiết.
Trong tương lai, ngành phiên dịch cũng cần phải thay đổi. Thực tế, hiện nay đã có những ứng dụng tự dịch, thậm chí dịch cả thông tin trên hình ảnh, tuy rằng chưa quá mượt mà, nhưng trong vòng 3-5 năm nữa khi ứng dụng công nghệ hoàn thiện hơn. Như vậy, con người hoàn toàn có thể đi bất kỳ đâu trên thế giới mà không cần phiên dịch viên, chỉ với chiếc điện thoại thông minh là có thể phá vỡ mọi rào cản ngôn ngữ.
Đối với ngành bán lẻ, các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay có thể chưa chịu ảnh hưởng quá nhiều, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ có. Bởi ở các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc đã có các loại cửa hàng được gọi là cửa hàng bán lẻ tự động, không có nhân viên.
Tức là, khách hàng vào cửa hàng chỉ cần nhận diện khuôn mặt bằng camera để mua sắm, thực hiện thanh toán, công nghệ sẽ giúp nhận diện khuôn mặt và trừ đúng số tiền vào chủ tài khoản ngân hàng có khuôn mặt trùng khớp.
Nếu ngành nghề nào biết tận dụng chuyển đổi số để thay đổi hình thức làm việc, kinh doanh thì ngành nghề đó sẽ tồn tại. Hãy đưa ra hướng đi đúng đắn với thời cuộc, chuyển đổi số hay là chết?
Mọi ngành nghề của chúng ta đang bị tác động mạnh mẽ bởi CĐS thì chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế tích cực để chấp nhận, chúng ta không thể chống lại điều đó. Khi chấp nhận rồi, ta sẽ có sự chuẩn bị phù hợp cho sự thay đổi này.
Từ sự chuẩn bị về tri thức, nhận thức cho tới mối quan hệ, con người sẽ thích ứng một cách chủ động. Tiếp tục là hành động để tận hưởng thành quả. Tôi cho rằng đây là một mô hình mở rộng của chuỗi nhân quả: nhận thức - tư duy - hành vi - kết quả.
Nghề thời thượng của hiện tại và tương lai
Theo thống kê của Visual Capitalist tính đến tháng 3/2021 cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ thống trị top 10, có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, con số thống kê ở các năm trước đây, các công ty công nghệ chưa có sự vượt bậc như vậy. Cụ thể, năm 2001, chỉ có 1 công ty công nghệ - Microsoft trong top 5. Năm 2006 cũng vẫn là Microsoft đơn độc bên cạnh các ông lớn như dầu khí, năng lượng, ngân hàng… Năm 2011, con số này không thay đổi.
Tới 2016, cơn bão CĐS đã thay đổi thế giới, 5/5 công ty lớn thế giới đều là các công ty CĐS. Tới 2021, theo số liệu mới nhất, con số này đã nâng lên 9/10 công ty lớn nhất trên thế giới đều là những doanh nghiệp CĐS.
Từ những con số biết nói, Shark Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: "Chúng ta hãy thích ứng với cơn bão mang tên CĐS. CĐS là nghề thời thượng của hiện tại và tương lai".
Nói về tiềm lực của ngành nghề liên quan đến CĐS trong tương lai, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO NextPay cho rằng, CĐS có thể được coi là một nghề bởi hiện nay xu hướng là xã hội số, chúng ta đang từng bước chuyển sang nền kinh tế số, tỉ trọng doanh thu, doanh số trên các môi trường internet, kênh kinh doanh số đang chiếm phần lớn đối với mọi doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp theo hướng CĐS thì nhân lực cũng là nhân lực số - điều mà rất nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm, như vậy CĐS sẽ là một nghề chắc chắn sẽ rất được trọng dụng và có tính ổn định trong tương lai gần.
Thực tế, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc CĐS, ứng dụng phần mềm vào các công tác quản lý, kinh doanh, sản xuất để tự động hoá công việc, tăng hiệu suất. Vì vậy đây là một nghề rất hứa hẹn, bởi thị trường công nghệ số trong tương lai chỉ có mở rộng và tiến sâu hơn chứ không có việc giảm bớt cơ hội.