Ngày 8/10, Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Ban Công tác hội viên của Hiệp hội các doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến "Đổi mới thủ tục hải quan - Góp ý dự thảo văn bản thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC".
Theo ông Trần Đức Nghĩa - Trưởng Ban Công tác Hội viên, VLA, đây là những văn bản quan trọng đối với doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và đặc biệt tác động lớn đến hoạt động khai hải quan. Các văn bản dự thảo nói trên liên quan trực tiếp đến hàng chục triệu lô hàng xuất nhập khẩu hàng năm ở Việt Nam.
Doanh nghiệp đánh giá cao các cải cách về thủ tục hải quan
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết qua khảo sát "Tình hình doanh nghiệp trong dịch Covid" do đơn vị này thực hiện, có 93% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng rất tiêu cực và tiêu cực, 98% doanh nghiệp buộc phải cho lao động nghỉ việc, 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2021 giảm hơn năm 2020.
Ngoài ra, các vấn đề cũng được nêu trong báo cáo như: Chuỗi cung ứng cho các ngành hàng bị đứt gãy; Chi phí kinh doanh liên tục tăng. Những vấn đề về vận tải biển như thiếu container, cước vận tải biển tăng phi mã… ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan và VCCI đã lấy ý kiến của 3.700 doanh nghiệp trên cả nước có hoạt động xuất khẩu đánh giá về các yếu tố trong lĩnh vực hải quan. Các doanh nghiệp đánh giá cao việc ngành Hải quan đang đẩy mạnh cải cách thủ tục. Cụ thể, thông tin về các chính sách dễ tiếp cận hơn, việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn, có nhiều chuyển biến tích cực trong khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nộp thuế, hoàn thuế giải quyết khiếu nại, thu thuế, hoàn thuế... Thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát cũng được tự động hóa. Đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp của các cán bộ hải quan.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị việc các thủ tục hải quan nên thực hiện trên máy tính hoàn toàn bởi một số nơi vẫn làm trên giấy tờ là chính. Ngoài ra, cơ quan hải quan cần có cơ chế kết nối chia sẻ chung về thực tế triển khai lịch sử hàng hóa của doanh nghiệp để tránh kiểm tra trùng lặp. Ngoài ra còn cần những cơ chế giám sát để thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công bằng; có chỗ để khiếu nại, kiến nghị các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà.
Dự thảo thay thế Nghị định, Thông tư cũ sẽ thúc đẩy ngành logistics
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết những thủ tục hải quan ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Bà Thảo đánh giá trong Dự thảo thay thế các Nghị định, Thông tư lần này, Tổng cục Hải quan đưa cả những vấn đề dịch bệnh để giải quyết những tình huống bất khả kháng cho doanh nghiệp. Ví dụ như các thủ tục hải quan có thể gửi bản mềm trước, gửi bản cứng sau, đó là một trong những cải cách mà Dự thảo đề cập đến.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cho biết Ban Công tác hội viên, VLA đã tổ chức họp nhiều lần để tổng hợp các ý kiến đóng góp cho các bản Dự thảo mới nhất và phân tích, đánh giá mức độ quan trọng của các văn bản Dự thảo đến các hội viên.
Bà Phạm Thị Liên - Đại diện Ban Hải quan, VLA đã trình bày góp ý nội dung về Dự thảo thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP với một số đề xuất liên quan tới trị giá hải quan, xử lý kết quả kiểm tra hải quan, hàng quá cảnh và trung chuyển, hàng tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập và một số vấn đề khác.
Cụ thể, về trị giá hải quan, Quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan tại Điều 21 là trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định. Tại Dự thảo thay thế, trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá do người khai hải quan tự xác định và kê khai, cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan, ban hành văn bản thông báo trị giá hải quan và quyết định ấn định thuế. VLA đề xuất giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, về xử lý kết quả kiểm tra hải quan, tại Điều 30, trường hợp không nhất trí với kết luận kiểm tra về tên hàng, mã số, xuất xứ, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan thì người khai hải quan thực hiện khiếu nại hoặc được lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định để thực hiện việc giám định. Ngoài ra, trường hợp cơ quan hải quan không nhất trí với kết quả giám định do người khai hải quan cung cấp, cơ quan hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để quyết định việc thông quan.
Bà Tường Thị Đoan - Đại diện Ban Hải quan, VLA đã trình bày góp ý nội dung về Dự thảo thay thế Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC với một số vấn đề kiến nghị liên quan tới quy trình thủ tục, hồ sơ hải quan, trị giá hải quan, hàng chuyển cửa khẩu và quá cảnh và một số vấn đề khác.
Cụ thể, về nội dung hàng chuyển cửa khẩu và quá cảnh tại Mục 7. Phụ lục I, TT39; Khoản 6.1, Phụ lục I, TT39; Khoản 6.3, Phụ lục I, TT39, dù Dự thảo thay thế không đề cập, VLA vẫn đề xuất nhập đầy đủ 4 số mã số hàng hóa quy định tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi và các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do bộ tài chính ban hành thay vì nhập đầy đủ mã số hàng hóa như Quy định hiện hành.
Ông Phan Bình Tuy - Phó phòng Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan Tp.HCM đánh giá các cải cách thủ tục hải quan lần này liên quan trực tiếp đến khai báo hải quan, nộp hồ sơ, công tác kiểm tra, giám sát hải quan, những doanh nghiệp chế xuất, gia công… giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hướng đến phát triển hải quan thông minh.
Ông Lê Duy Hiệp cho biết các doanh nghiệp ngành logistics phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua, nhất là thời gian giãn cách tại các địa phương trên cả nước. Ông hy vọng Tổng cục Hải quan sẽ giải quyết các góp ý, kiến nghị của các doanh nghiệp. Theo ông, việc số hóa trong thủ tục hải quan, đặc biệt là các quy định về thông quan cần tăng hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.