Trong khi các "doanh nghiệp nhỏ và vừa" kiếm tiền online còn phải trầy trật mới đạt doanh thu chục triệu một tháng thì YouTuber Khá Bảnh lại có vẻ thuận buồm xuôi gió hơn nhiều.
Từ kênh YouTube với 13 triệu lượt xem lúc ra tù tới nay, sau chưa đầy 2 năm, Ngô Bá Khá đã xây dựng hẳn một "đế chế YouTube" cho riêng mình. Hết Nút Bạc lại đến Nút Vàng, Khá Bảnh kiếm tiền quảng cáo từ YouTube hàng ngày, hàng giờ. Top video thịnh hành ở Việt Nam trên YouTube liên tục xuất hiện các video của Khá Bảnh, tiếp tay cho nhân vật này trở thành hiện tượng mạng và nhận được nhiều lợi ích từ sự nổi tiếng.
Khi ngồi trước các cán bộ điều tra, Khá thành khẩn khai báo chỉ mới được YouTube trả tiền mấy tháng gần đây. Thời gian đầu là từ 7.000 - 8.000 USD/tháng (khoảng 160-185 triệu đồng), tháng cao nhất thu nhập của Ngô Bá Khá lên tới 19.500 USD (khoảng 450 triệu đồng).
Đây là số tiền mà Khá Bảnh nhận lại từ Google Adsense dựa trên cơ chế đếm view, đếm click quảng cáo để tính tiền. Những nội dung mang tính "câu view" như chửi bới, anh em giang hồ, đòi nợ thuê, đốt xe... của Khá Bảnh thu hút lượng người xem vô cùng lớn. Thậm chí các video này còn liên tục lọt top thịnh hành của YouTube ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền Khá Bảnh nhận được là vô cùng lớn.
Vậy ai là người trả tiền cho YouTube và Khá Bảnh? Không ai khác, đó chính là các doanh nghiệp mua quảng cáo hiển thị trực tiếp trên video.
Vào kênh YouTube của Khá Bảnh có thể thấy ngoài các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa trực tuyến, còn có một số doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng như ngân hàng Hàng hải Maritime Bank, và Yamaha.
Trong đó ngân hàng Maritime Bank (MSB) là doanh nghiệp Việt đầu tiên gỡ tất cả các quảng cáo trên kênh của YouTube của Khá Bảnh. Chia sẻ với báo chí, lý do mà đại diện MSB đưa ra là do “MSB chỉ lựa chọn quảng cáo trên những nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức và tích cực. MSB phối hợp cùng đơn vị quảng cáo tiến hành rà soát trước khi thực hiện và rà soát định kỳ hàng tuần các nội dung, chủ đề không liên quan để loại trừ”.
Vì vậy, với việc quảng cáo của mình từng xuất hiện trong video của Khá Bảnh, ngân hàng này đã tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube để tiến hành rà soát.
Việc các nhãn hàng ngừng quảng cáo trên YouTube trước đây cũng từng xảy ra. Đơn cử như vụ thương hiệu Vinasoy tạm dừng quảng cáo trên YouTube tháng 12/2017, vì quảng cáo của nhãn hàng đã xuất hiện trên video nội dung “không phù hợp”, ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu.
Cùng thời điểm, một tập đoàn nổi tiếng thế giới là Nestle cũng quyết định ngừng toàn bộ quảng cáo YouTube trên phạm vi toàn cầu để ngăn chặn nội dung quảng bá của họ xuất hiện trên các video không phù hợp. Trước đó, nhiều thương hiệu toàn cầu khác như Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG… cũng đã đình chỉ quảng cáo trên YouTube vì lý do tương tự.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do các nhãn hàng phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo đó, các nhãn hàng có quyền lựa chọn việc quảng cáo của họ sẽ không hiển thị trên kênh nào tuy nhiên đa số các nhãn hàng không quan tâm tới vấn đề này.
Trong khi đó các đơn vị thực hiện quảng cáo lại thường phân phối quảng cáo của khách mà chỉ dựa theo đối tượng mục tiêu và độ “hot” của kênh, dẫn tới có trường hợp xuất hiện cạnh nội dung xấu, độc hại. Khi sự việc xảy ra, nhiều đơn vị vẫn khá bị động, chưa cương quyết với YouTube như các thương hiệu nước ngoài, dù từng có khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Đình Văn