Năm 2024, ngành đồ uống có cồn của Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, từ áp lực cạnh tranh gay gắt, sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đến những chính sách ngày càng siết chặt về rượu bia.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lớn như Halico, Habeco và Sabeco có những kết quả kinh doanh rất khác biệt, phản ánh chiến lược ứng phó và khả năng thích nghi riêng của từng đơn vị.

Năm 2024, ngành bia Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, ghi nhận sự phân hóa rõ rệt; trong khi Halico tiếp tục thua lỗ, trong khi Habeco và Sabeco dần phục hồi, tăng tốc.
Nốt trầm dai dẳng trong hành trình kinh doanh
Từng sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội vang bóng một thời, Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico; UPCoM: HNR) nay lại chỉ ghi nhận những con số ảm đạm cho một hành trình buồn với 27 quý lỗ liên tiếp… chỉ lỗ.
Kết quả là năm 2024, dù doanh thu thuần tăng trưởng 11,2%, đạt 112,2 tỷ đồng, Halico vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 8,4 tỷ đồng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Halico chìm trong thua lỗ, một "nốt trầm" dai dẳng trong bản nhạc kinh doanh của ngành.
Đi sâu vào bức tranh tài chính của Halico, có thể thấy rõ những khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, "ăn mòn" lợi nhuận gộp, dẫn đến khoản lỗ ròng 8,8 tỷ đồng.
Năm 2024, Halico lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt hơn 113 tỷ đồng và lỗ dự kiến lỗ 8,5 tỷ đồng, mức lỗ nhẹ nhất trong 9 năm trở lại đây. Như vậy, khép lại năm 2025, Halico thực hiện được 99% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành mục tiêu, lỗ ít hơn một chút so với dự kiến.
Thua lỗ trong thời gian dài nên tổng tài sản của Halico cũng đang có dấu hiệu co lại, chỉ còn 370,4 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận tăng 21,8% lên 117 tỷ đồng, đây đều là khoản tiền gửi kỳ hạn.
Chỉ số hàng tồn kho của công ty tính đến cuối năm 2024 đạt 114 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Tính đến hết tháng 12/2024, Halico ghi nhận nợ phải trả đạt 22,9 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó công ty không ghi nhận nợ tài chính. Sau nhiều năm liên tục thua lỗ, Halico ghi nhận lỗ lũy kế đạt 466 tỷ đồng.
Điểm sáng tăng trưởng ngành bia
Trái ngược với Halico, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) đã có một năm 2024 khả quan với biên độ tăng trưởng gần như lớn nhất toàn ngành.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý đạt hơn 2.270 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn hàng bán tiết giảm nên lợi nhuận gộp trong kỳ ghi nhận tăng 16% lên 632 tỷ đồng. Trong quý IV/2024, công ty còn ghi nhận 4,1 tỷ đồng từ phần lãi trong công ty liên kết, liên doanh, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 của Habeco đạt 113 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Habeco cho biết, kết quả kinh doanh tăng là do hoạt động kinh doanh cải thiện và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Habeco đã thực hiện tốt các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí trong sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Lũy kế năm 2024, doanh thu của Habeco đạt 8.219 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Đáng chú ý, dù chi phí quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ của ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội tăng 20%, đạt 714 tỷ đồng, trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận năm 2024 của Habeco tăng 13% lên 402 tỷ đồng.
Năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2024, ông lớn ngành bia miền Bắc đã vượt chỉ tiêu về cả doanh thu và lợi nhuận.
Sabeco phục hồi vẫn chưa chạm đích kế hoạch
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) - "ông vua" ngành bia với thị phần lớn nhất, tiếp tục thể hiện vị thế dẫn đầu của mình với tình hình kinh doanh trên đà hồi phục trở lại.
Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của công ty đạt 9.048 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, nguyên nhân chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện khi nền kinh tế phục hồi, dù Nghị định 100 tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt và áp lực cạnh tranh gia tăng.
Bất chấp giá vốn hàng bán tăng mạnh, lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn nhích nhẹ 2% lên 2.499 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong quý IV/2024, doanh thu tài chính của công ty giảm gần 23% xuống còn 268 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng giảm.
Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế gần 991 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, năm 2024 đã thể hiện sự phân hóa rõ rệt trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam. Trong khi Halico vẫn loay hoay với bài toán tài chính, Habeco đang tăng cường hiệu quả sản xuất thì Sabeco dù có những thách thức nhưng vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu.