Khách hàng đầu tiên là Bamboo Airways
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) đã chính thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 thông qua kế hoạch doanh thu thuần đạt 2.859 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 4% lên mức gần 425 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2019 dự kiến đạt 40,47 triệu lượt khách, tăng 5% so với 2018.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên này, Sasco cho biết công ty sẽ bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không và tàu hỏa. Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết Sasco đã bắt đầu cung cấp suất ăn cho hãng hàng không Bamboo Airways từ đầu năm nay. Trước đó, dịch vụ cung cấp thức ăn cho đường sắt đã triển khai từ 2018 nhưng được đăng ký vào mảng dịch vụ ăn uống khác.
Đại diện công ty cho biết trước đây Sasco đăng ký ngành nghề chung nhưng theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cần đăng ký ngành nghề cụ thể. Vào đầu năm 2019, Sasco đã được cấp giấy phép cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh lĩnh vực vận tải hàng không ngày càng mở rộng và phát triển giúp các hãng bay thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, các mảng kinh doanh phụ trợ hoạt động vận tải này, mà cụ thể là cung cấp suất ăn cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Riêng với Sasco, ngoài việc là doanh nghiệp dịch vụ thương mại sân bay lớn nhất cả nước, công ty còn là đơn vị thành viên của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (ACV sở hữu 49% vốn Sasco). ACV hiện đang quản lý gần như toàn bộ sân bay lớn nhỏ tại Việt Nam (trừ một số sân bay tư nhân mới thành lập).
Việc bổ sung thêm mảng kinh doanh mới này kỳ vọng sẽ giúp Sasco thu về khoản lợi nhuận lớn, bởi dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không ngày càng phát triển cùng với nhu cầu về trải nghiệm khi di chuyển hàng không của khách hàng tăng lên.
Hiện số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này không nhiều, và đều ghi nhận những khoản lợi nhuận rất tốt.
Mảng kinh doanh béo bở
Theo công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hàng không đang có nhu cầu được cung cấp 120.000 suất ăn/ngày. Trong khi đó, tổng nguồn cung của các doanh nghiệp cung cấp mới chỉ đạt khoảng 62.000 suất/ngày, tương ứng khoảng gần 52% nhu cầu thị trường.
Hiện có 4 đơn vị tham gia mảng kinh doanh này là: Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài – NCS, Dịch vụ Suất ăn Hàng không (Vinacs), Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (Vacs).
Đáng chú ý, chỉ có Vinacs là doanh nghiệp tư nhân, 3 cái tên còn lại đều là doanh nghiệp có liên quan tới Vietnam Airlines (cổ đông lớn nhất).
Trong số đó, công ty thành công nhất với mảng kinh doanh này là Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã CK: NCS). Theo đó, hoạt động chính của Nội Bài Cartering là cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong và ngoài nước, trong đó đối tác lớn nhất của công ty chính là Vietnam Airlines, với gần 60% doanh thu đóng góp.
Năm 2017, Nội Bài Cartering này thu về khoản lợi nhuận ròng đạt 83 tỷ đồng, tăng mạnh 22%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất công ty thu về trong nhiều năm trở lại đây. Những năm trước đó, lợi nhuận ròng Suất ăn Nội Bài thu về dao động trong khoảng 30-50 tỷ đồng/năm.
Báo cáo thống kê cùng năm cũng cho biết công ty đã cung cấp tới 7,84 triệu suất ăn hàng không, và thu về số tiền 489 tỷ (chiếm 78% tổng doanh thu).
Trong năm 2018 vừa qua, Nội Bài Cartering tiếp tục ghi nhận 653 tỷ doanh thu bán hàng, mảng cung cấp suất ăn hàng không tiếp tục góp 78% trong số này. Bình quân mỗi ngày việc cung cấp suất ăn hàng không mang về cho công ty tới 1,4 tỷ đồng.
Với vốn đầu tư không quá lớn hàng chục tỷ đồng lãi ròng mỗi năm là con số không hề nhỏ so với lĩnh vực kinh doanh phụ trợ hàng không này.
Số liệu cũng cho thấy, tuy không có mức tăng trưởng vượt bậc nhưng kết quả kinh doanh hàng năm của Nội Bài Cartering đều tăng trưởng và đã tăng liên tiếp hơn 10 năm qua.
Đình Văn