Sáng 18/12, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận (UBMT) Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng nhận định, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp tại địa phương này đang có những diễn biến phức tạp. Bà đưa ra ví dụ, công ty TNHH MTV TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc, Khu công nghiệp Hòa Khánh, đã nợ tiền bảo hiểm xã hội người lao động hơn 12 tỷ đồng từ tháng 8 đến nay.
Chủ doanh nghiệp này là người Hàn Quốc. Sau khi nợ bảo hiểm số tiền khủng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước. Điều này khiến 500 công nhân rơi vào cảnh khó khăn, quyền lợi không được giải quyết.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chánh văn phòng Thành ủy TP.Đà Nẵng tiết lộ, tính đến tháng 10/2018, tổng số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài 3 tháng có hơn 1.400 đơn vị. Số tiền các đơn vị này nợ hơn 180 tỷ đồng, ảnh hưởng đến gần 11.000 người lao động. Riêng khoản nợ khó thu gồm những đơn vị không đủ khả năng thu hồi gần 1.000 đơn vị, với số tiền hơn 82 tỷ đồng.
Tình trạng doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm túc luật Bảo hiểm xã hội, né tránh, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia ở mức độ cầm chừng, mang tính đối phó để nợ bảo hiểm xã hội kéo dài ngày càng tăng. Phía bảo hiểm xã hội là đơn vị thu tiền từ doanh nghiệp nên cần đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên.
Cũng theo vị này, cơ quan chức năng cần vào cuộc đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài. Đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 3 tháng trở lên, phía bảo hiểm cần chủ động báo cho công an để quản lý xuất cảnh đối với cả người nước ngoài lẫn người Việt Nam. Riêng những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên thì cần gửi hồ sơ qua công an để khởi tố. Và, đối với các trường hợp này, công an cần sớm điều tra, xử lý.
Ông Triết kiến nghị, khi thu hút đầu tư và cấp phép đầu tư cần quy định ký quỹ dự phòng rủi ro. Đối với các doanh nghiệp mất khả năng tài chính, bỏ trốn thì dùng số quỹ này để trả lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đồng thời, đối với các chủ doanh nghiệp bỏ trốn cũng cần có chế tài xử lý. Hiện, các quy định xử lý vấn đề này còn khá chồng chéo, mất thời gian. Chẳng hạn trường hợp công ty TPO Vina bỏ trốn đến nay đã 5 tháng nhưng vẫn chưa có cơ chế xử lý tài sản để nợ lương, bảo hiểm xã hội, thai sản của công nhân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần liên kết theo dõi tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp, tránh tình trạng đến khi doanh nghiệp bỏ trốn thì xử lý không kịp.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nhận định, việc nợ lương bảo hiểm của các doanh nghiệp là điều khó có thể chấp nhận. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể trở thành “điểm nóng”. Ông đề nghị rà soát việc nợ bảo hiểm xã hội, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.