Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện nay, đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, ngành Du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực khi mở cửa đón khách trở lại.
Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình phong phú, độc đáo và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất với các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch.
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch được bán tràn lan trên mạng xã hội khiến nhiều du khách gặp không ít tình huống dở khóc dở cười như: Mua phải tour lừa đảo, quảng cáo một đằng chất lượng một nẻo, mua xong không được tư vấn. Để bảo vệ quyền lợi của khách cũng như uy tín của hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô, Sở Du lịch đã lập danh sách các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch để du khách dễ dàng lựa chọn. Đó là thông tin các đơn vị lữ hành có đầy đủ điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên trang web của Sở Du lịch Hà Nội.
Các thông tin về doanh nghiệp được đăng tải bao gồm: tên doanh nghiệp, thông tin pháp nhân, trụ sở hoạt động, kinh doanh. Thông qua các thông tin trên, khách hàng có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ do các doanh nghiệp du lịch này cung cấp.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Lê Vân Anh - Công ty Thương Mại và Du lịch Vạn Lộc cho hay: "Việc Sở Du lịch Hà Nội công khai các công ty du lịch uy tín làm các doanh nghiệp rất phấn khởi, giống như việc phân biệt hàng thật và hàng nhái trong kinh doanh. Du khách đi du lịch quan trọng nhất sự sự trải nghiệm chân thật và được đối xử công bằng. Có những công ty lữ hành chưa làm tốt nhiệm vụ của mình để lại ấn tượng xấu trong du khách, thì đây cũng là cơ hội để họ hoàn thiện dịch vụ hơn. Việt Nam luôn thân thiện với khách nước ngoài và để họ quay lại thì việc phục vụ tốt, mang cho họ những trải nghiệm mới mẻ sẽ làm cho ngành du lịch khởi sắc, phát triển hơn".
Nói về việc các công ty du lịch uy tín được công khai, ông Hoàng Nam - Công ty Hanoitourist chia sẻ: "Khách hàng hiện nay rất thông minh, trước mỗi chuyến đi, họ thường lên mạng xem thông tin, đi đâu, sử dụng dịch vụ gì, công ty nào phục vụ tốt khách du lịch, vì thế, việc công khai các công ty lữ hành uy tín là việc cần làm và chúng tôi luôn ủng hộ. Công khai thế này thì lại có sự cạnh tranh nhưng là cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp nào có sự đãi ngộ tốt, thì khách sẽ tìm đến".
Đại diện Công ty Hanoitourist cũng chia sẻ, bên cạnh việc đẩy mạnh các dịch vụ tới du khách, công ty này vẫn đang hoàn thiện nhân sự, tuyển thêm nhân viên để phục vụ khách du lịch tốt nhất. "Sau dịch Covid-19, nhiều người đã bỏ nghề về quê hoặc làm nghề khác nên chúng tôi đang bổ sung, đào tạo để từ ngày 15/3 sẽ làm việc hết công suất. Sau thời gian "ngủ đông", tôi tin rằng du lịch Việt Nam sẽ có những bước đột phá hơn" - Ông Hoàng Nam chia sẻ.
Theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, có tới 90-95% số lượng doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch đa số bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng, một số khác phải chuyển đổi ngành nghề. Vì vậy, để vực lại ngành kinh tế "không khói", du lịch Việt Nam cần có thời gian và cần các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có thể hồi sinh mạnh mẽ.
Trước tình hình thực tế này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng. Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ nắm bắt tốt các cơ hội sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch. Các địa phương cần tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch.