Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 20/4, UBTV QH cho ý kiến vào dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016; ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến của các ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 4/4/2017 về dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), UBTV QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), UBTVQH cho biết về phân loại tài sản công (Điều 4), một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu,... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của dự thảo Luật tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển... đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài sản tài nguyên.
Do đó, UBTV QH xin Quốc hội cho phép thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý Nhà nước. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 Điều 13 của dự thảo luật.
Về các hành vi bị cấm (Điều 10), nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.
Cho ý kiến vào nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Vấn đề là sử dụng thế nào thôi, nếu sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng biếu, tặng để dùng vào mục đích công cộng, mục đích từ thiện, nhân đạo thì khuyến khích”.
Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bình luận: “Nếu tất cả xe cộ được tặng phải tập hợp về và xử lý chung thì không có chuyện gì xảy ra. Tất nhiên với một số phương tiện đặc biệt như xe cứu thương tặng cho xã, phường, bệnh viện nên có quy định riêng”.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, vấn đề lớn nhất là dư luận, cử tri lo lắng, băn khoăn về tiêu cực xảy ra trong quá trình cho, tặng. Vì vậy cần phải quy định rất chặt chẽ, minh bạch để phòng ngừa sự trục lợi.
“Có việc doanh nghiệp tặng xe cho sở, ban ngành nhưng sau đó lại có những dự án, hợp đồng kinh tế liên quan thì rất khó xác định. Cần làm sao để việc cho biếu tặng đảm bảo tính minh bạch. "Không có một bữa ăn nào là miễn phí", ngạn ngữ nước ngoài đã nói rồi” - bà Hải phân tích.
Thảo luận về các nội dung trong dự thảo luật, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị khi luật này có hiệu lực thi hành thì sẽ không đầu tư những công trình, dự án để cho thuê và kinh doanh.
Tuy nhiên, với những công trình hiện đang cho thuê một phần cũng không nên quá cứng nhắc. “Nguyên tắc đúng và chúng tôi rất tán thành nhưng thực tế có những trường hợp phải xử lý. Ví dụ do yêu cầu chính trị phát sinh nên phải xây một trung tâm như hội nghị quốc gia ở TP.HCM để phục vụ 1 giai đoạn, sự kiện nào đó nhưng sau đó không dùng hết thì cũng phải có phương án đưa vào kinh doanh, cho thuê tránh lãng phí” - ông Dũng nói.
Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn và đề nghị Chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách, Bộ trưởng bộ Tài chính, ủy ban Pháp luật giải thích rõ hơn về việc thời gian gần đây khi đưa các luật ra, các bộ có ý kiến khác nhau, nhất là về những vấn đề liên quan đến thẩm quyền quản lý Nhà nước.
"Chúng ta thường có một luật chung để điều chỉnh tổng thể, sau đó lại có luật chuyên ngành. Vậy cho đến giờ này trước khi trình ra Quốc hội, có sự xung đột gì giữa các luật ở đây không? Đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách trả lời về tính xung đột pháp luật giữa luật này với các luật khác”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải lý giải việc tiền quỹ ngân sách không đưa vào luật này là vấn đề tranh luận tương đối nhiều. Mục tiêu của luật này liên quan tới các tài sản có thể tính toán bằng hiện vật, có thể quản lý bằng phương thức tài chính và các phương pháp thông thường, còn các tài sản như vùng trời, tài nguyên khác phải quản lý bằng luật khác. Phạm vi tài sản công khá nhiều nhưng quản lý trong luật này là những gì có thể quản lý được để tránh thất thoát. Riêng về vấn đề tài chính có luật ngân sách, ngân hàng, quỹ ngân sách luôn luôn biến động. Vì vậy, nếu quản lý bằng luật này rất phức tạp mà phải bằng luật ngân sách. "Theo quan điểm của chúng tôi nếu đưa vào đây là không hợp lý", ông Hải nói.
Dương Thu