Doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm
Thông tin từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết, công ty Đại Nguyên Dương đã có văn bản phản hồi về việc đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân địa phương có tàu bị hư hỏng, phải nằm bờ. Trong văn bản, công ty Đại Nguyên Dương đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xem xét cho công ty không bồi thường thiệt hại đối với các chủ tàu vỏ thép vừa đóng mới đã bị hư hỏng. Công ty cho rằng việc các tàu vỏ thép nằm bờ dài ngày không phải lỗi của họ .
Giải thích về việc từ chối không bồi thường cho ngư dân, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc công ty cho biết: “Thời gian qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn. Vụ việc cũng khiến 300 công nhân nhà máy đóng tàu thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Do vậy, chúng tôi không thể bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho các chủ tàu được”, ông Nguyên giải thích thêm.
Trong khi đó, sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng xác nhận, đến thời điểm trên, công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là công ty Nam Triệu) có trụ sở tại TP.Hải Phòng vẫn chưa có văn bản trả lời về vấn đề đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho 14 tàu cá vỏ thép hư hỏng. Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, quyền Tổng Giám đốc công ty Nam Triệu, vụ việc đã khiến đơn vị ông bị thiệt hại hơn 40 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tàu. Do đó, việc bồi thường, hỗ trợ cho ngư dân, phía công ty cần phải xin ý kiến.
Trước đó, sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi 2 đơn vị đóng tàu trên về việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân địa phương. Theo đó, tổng số tiền ngư dân yêu cầu bồi thường là 45,6 tỷ đồng cho 19 tàu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có công ty Đại Nguyên Dương trả lời bằng công văn nêu trên.
Ngư dân khổ trăm bề
Trước việc trên, nhiều ngư dân mong muốn chính quyền các cấp sớm vào cuộc làm “trọng tài” để giải quyết. Ngư dân L.V.Đ. bức xúc cho biết, tàu vỏ thép của gia đình ông vừa ra khơi chưa đầy 4 tháng đã bị hư hỏng, không khai thác được. Kể từ khi tàu nằm bờ, cuộc sống của gia đình ông và nhiều ngư dân làm thuê trên tàu của ông gặp phải không ít khó khăn. Do đó, ông Đ. không đồng tình với lời giải thích của đơn vị đóng tàu.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, việc công ty Đại Nguyên Dương từ chối bồi thường cho các chủ tàu vỏ thép ở địa phương bị hư hỏng là trái pháp luật và không thể chấp nhận được. "Chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành địa phương mời công ty Đại Nguyên Dương vào làm việc lại một lần nữa. Trong trường hợp công ty này tiếp tục từ chối bồi thường cho ngư dân thì chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa cho ngư dân khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi hợp pháp”, ông Châu nhấn mạnh.
Luật sư Cồ Lê Huy, Giám đốc công ty Luật TNHH Đại Việt đánh giá: “Cần xem xét lại hợp đồng giao dịch giữa ngư dân và công ty đóng tàu, xem xét tàu hỏng do lỗi khách quan hay chủ quan của công ty. Từ đó sự việc có thể đưa ra tòa dân sự, nếu tòa xác định lỗi do công ty đóng tàu và công ty này sử dụng tiền của dân để làm việc khác rồi từ chối bồi thường cho dân thì có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.