Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động

Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 03/12/2021 11:00

Dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến công việc sản xuất, kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước. Thời điểm cuối năm, câu chuyện thưởng Tết bao nhiêu luôn được người lao động đặc biệt quan tâm.

Chỉ mong công việc ổn định, ít hy vọng thưởng Tết 

Gần 2 năm đại dịch hoành hành, công việc bập bõm, lúc làm lúc nghỉ, chị Phạm Kiều My (một nhân viên công ty chuyên về tư vấn doanh nghiệp trên đường Thái Hà, Hà Nội) cho hay, suốt từ thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 đến nay, công ty chị gần như hoạt động cầm chừng. Đặc biệt khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/2021, Tp.Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch, trụ sở chính công ty tại Hà Nội gần như đóng cửa, nhân viên được trả lương tối thiểu làm việc tại nhà, mục tiêu là để duy trì hoạt động. 

“Nói đến chuyện thưởng Tết thời điểm này là quá xa xỉ. Gần 2 năm nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề, doanh thu so với bình thường trước đây giảm đến 70%. Cố gắng duy trì việc làm, có tiền trả lương cho mọi nhân viên ở các văn phòng đã là cố gắng của ban giám đốc rồi. Năm ngoái công ty vẫn tính toán căn cơ thưởng Tết cho mỗi người 1 tháng lương, nhưng năm nay mọi người đều hiểu rõ tình hình thực tế. Chỉ mong dịch đừng bùng phát mạnh trở lại; hiện chúng tôi có việc làm, có lương là tốt rồi mong chờ gì thưởng Tết nữa”, chị My chia sẻ.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn tiền. Ảnh: Zing News. 

Cũng tâm lý chỉ mong có việc làm ổn định, chị Nguyễn Linh Chi (làm cho một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động Nhật Bản) cho hay, 3 tháng đầu năm 2021, công ty còn đưa được hơn 200 lao động xuất cảnh. Từ thời điểm tháng 4/2021 đến nay hầu như mọi hoạt động đình trệ hẳn.

Lao động làm hồ sơ xong cũng không xuất cảnh được, công tác giảng dạy thì gần như “đóng băng”. Không ít người do không có việc làm đã chủ động xin nghỉ việc để chuyển sang công việc khác. Với gia đình chị Chi, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình dựa hết vào thu nhập của chồng chị. Để có thêm nguồn thu, chị phải bán hàng trực tuyến, công ty cũng chỉ hỗ trợ gần 2 triệu đồng/tháng nhằm giữ chân lao động. 

Anh Nguyễn Minh Tuấn, nhân viên marketing tại một doanh nghiệp kinh doanh các dòng mỹ phẩm dành riêng cho nam tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số công ty giảm khoảng 30%. Trong nhiều tháng khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, công ty đã cắt giảm 50% lương tháng của nhân viên, từ gần 9 triệu đồng/tháng, mức lương của anh Tuấn chỉ hơn 4 triệu đồng.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động (Hình 2).

Không ít người lao động chỉ mong công việc ổn định trở lại, không hy vọng thưởng Tết. Ảnh: Lao Động. 

Cuối năm, dù chưa có thông báo chính thức về mức thưởng Tết, nhưng anh Tuấn cũng như nhiều đồng nghiệp khác  cũng đã xác định năm nay sẽ không có thưởng.

“2 năm liền bị ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm, tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lương thưởng đều bị cắt giảm. Tết năm ngoái công ty cũng không có thưởng Tết, năm nay tình hình còn khó khăn hơn nên cũng không hy vọng sẽ có thưởng’, anh Tuấn cho biết.

Khó mấy cũng phải lo thưởng Tết 

Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng để duy trì được việc làm và trả lương cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, còn thưởng Tết như mọi năm là điều "xa xỉ".

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn cố gắng đưa ra mức thưởng Tết hợp lý, thấp nhất là một tháng lương và hỗ trợ thêm các hoạt động khác cho người lao động.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam - cho biết doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động như thông lệ hàng năm ở mức 1,1. Tức công ty sẽ dựa vào mức lương của người lao động của tháng liền kề trước khi nghỉ Tết và nhân với 1,1 để thưởng cho người lao động.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động (Hình 3).

Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động. Ảnh: Công an nhân dân. 

Ông cho biết đợt dịch từ tháng 5 đến tháng 10 vừa qua khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó phải chi trả một khoản chi phí rất lớn để duy trì sản xuất như phí xét nghiệm, thuê khách sạn, thực hiện "2 địa điểm, 1 cung đường", "3 tại chỗ"...

"Hiện, đơn vị đã hoạt động trở lại khoảng 80% công suất. Mặc dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng cân đối tài chính để có thưởng Tết cho khoảng 5.000 lao động", Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam nói.

Ông Cao Văn Tĩnh - Tổng giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ cho biết, Tết Nhâm Dần 2022, dự kiến cán bộ công nhân viên sẽ được thưởng 2 tháng lương, cao hơn năm ngoái nửa tháng lương. 

Theo ông Tĩnh, dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhưng năm nay, hệ thống cảng nói chung vẫn giữ được sự tăng trưởng so với năm ngoái. Nhất là từ đầu tháng 10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sôi nổi trở lại. Đến thời điểm này, các cảng đã đánh giá được kế hoạch năm.

“Kết quả chung cho thấy, ngành vận tải cảng biển sẽ không chịu tác động nhiều như những ngành khác nên dự kiến mức thưởng của ngành sẽ không ảnh hưởng nhiều. Năm 2021 là năm Đình Vũ có mức lợi nhuận tăng trưởng tốt, ở ngưỡng 50% doanh thu nhờ tiết kiệm tối đa tất cả các chi phí như đi lại, hội họp, công tác phí” - ông Tĩnh nói.

Cũng theo doanh nghiệp này, khi chi tiêu bất kỳ việc gì, công ty đều đặt câu hỏi “nên hay không” để có những điều chỉnh và cân đối phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Nhờ những điều đó đã giúp tổng chi giảm xuống mức hơn 20%. Theo nhẩm tính của ông Cao Văn Tĩnh - năm nay lợi nhuận công ty dự kiến đạt 320 tỷ đồng, vượt mức chỉ tiêu giao là 305 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp và bài toán thưởng Tết cho người lao động (Hình 4).

Thưởng Tết cũng được coi là cách để giữ chân người lao động trong mùa dịch Covid-19.

Tương tự, tình hình tài chính khó khăn do dịch Covid-19, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 - cũng cho biết năm nay dù chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể nhưng vẫn sẽ có thưởng Tết cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp.

"Như thường lệ hàng năm, thưởng Tết tại doanh nghiệp sẽ từ 2-3 tháng lương, kèm quà Tết. Năm nay, do lợi nhuận giảm, tình hình kinh doanh chịu tổn thất lớn nên chúng tôi dự kiến chi thưởng tối thiểu 1 tháng lương cho người lao động", ông Hồng chia sẻ và cho biết với những người có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm. "Thưởng Tết không chỉ để động viên người lao động mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng đa số doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động". 

Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam việc thưởng hay không là căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết.

"Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính", bà nhìn nhận.

Đặc biệt theo bà Hà, sau đợt dịch vừa qua người lao động đã có sự dịch chuyển về các địa phương, nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động thì sau Tết, sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Có 20% người lao động bị cắt thưởng hoàn toàn 

Công ty Anphabe vừa công bố khảo sát về thưởng Tết năm 2021. Qua khảo sát, thay vì dồn tiền tăng quỹ lương, 80% doanh nghiệp chọn cách cố gắng trả thưởng cho người lao động. 

Tuy nhiên, chỉ 52% trong đó có thể trả thưởng như dự kiến, còn lại là thấp hơn. Có 20% người lao động bị cắt thưởng hoàn toàn, tập trung nhiều ở các ngành bị tác động nặng nề nhất do Covid-19 là du lịch - hàng không, ẩm thực - nghỉ dưỡng và quảng cáo - truyền thông - giải trí. Hiện tại, không doanh nghiệp nào tự tin trả lời được họ có quỹ thưởng cho năm 2021 hay mức thưởng dự kiến là bao nhiêu (mức thưởng trung bình của thị trường cho năm 2020 là 1,5 tháng lương/người).

Về phía người lao động, khi được hỏi về kỳ vọng lương thưởng, họ kỳ vọng tăng lương 5%-15% nếu tình hình thuận lợi, trong đó có 15% cho rằng chỉ cần giữ nguyên lương hoặc không kỳ vọng mức tăng cụ thể vì "có việc là tốt rồi". Với tình huống giả định khi công ty gặp khó khăn, người lao động đồng lòng giảm 5% thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.