...Mình kinh doanh vận tải, không tránh khỏi việc chạm mặt họ, tốt nhất vẫn "phục tùng" thì sẽ được thuận lợi, coi như lợi cả đôi bề. Nhưng nhiều lúc cũng bức xúc, không chịu được cách hành xử của họ. CSGT lấy đủ mọi lý do nọ kia để "vòi tiền", rất là lằng nhằng. Thực ra, việc sách nhiễu, bắt doanh nghiệp phải chi tiền cho cảnh sát giao thông không chỉ xảy ra ở Khánh Hoà mà theo tôi, nhiều tỉnh thành khác cũng có hiện tượng tương tự như thế. Khi bị "gợi ý" đưa tiền, chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi, không dám phản ứng vì mình còn làm ăn, đi lại lâu dài trên các tuyến đường đó".
Tuy nhiên, vị giám đốc doanh nghiệp này cũng phàn nàn: "Ngày trước doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc thỉnh thoảng "bao" các ông ấy có thể chấp nhận được nhưng giờ kinh tế suy thoái, hoạt động sản xuất ngưng trệ, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như chúng tôi cũng rất khó khăn. Vận tải phải đóng đủ loại thuế phí, nếu cứ vòi tiền theo kiểu của vị cảnh sát giao thông kia thì đúng là không thể chịu nổi, những khoản tiền đó là quá sức của doanh nghiệp chúng tôi".
Dưới góc nhìn của người trong ngành, thượng tá Lê Đức Đoàn (đội CSGT số 1, công an TP. Hà Nội) chia sẻ: "Nghề của chúng tôi rất nhạy cảm, làm đúng thì không sao, nếu làm không đúng hoặc có thái độ khiếm nhã, ăn mặc chưa đúng tác phong đã có hàng trăm hàng nghìn con mắt nhìn vào. Nếu mỗi người cảnh sát giao thông đều ý thức phục vụ nhân dân hết mình, phục vụ vô điều kiện thì chắc chắn nhân dân sẽ ghi nhận, sẽ nâng được hình ảnh đẹp của lực lượng công an nhân dân. Còn những trường hợp như vị trung tá cảnh sát giao thông ép doanh nghiệp phải trả tiền như báo chí nêu thì rất đáng tiếc, cần phải chấn chỉnh ngay, rút kinh nghiệm để có bài học giáo dục, lấy lại niềm tin của người dân".
Văn - Hường