Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng ‘kêu cứu’

Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng ‘kêu cứu’

Thứ 6, 26/04/2013 08:14

Sau khi Thông tư 197 của Bộ tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được chính thức triển khai, đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tại Hải Phòng cho xe ngưng hoạt động, nằm nghỉ la liệt ở các bãi đỗ, mặc dù lượng hàng hóa tồn đọng tại các kho cảng là khá nhiều.

Theo ông Lê Văn Tiến – chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng:  “Lĩnh vực vận tải hàng nặng, hàng chuyên dùng, hàng đóng bằng container tại Hải Phòng hiện có gần 1000 DN tham gia và sở hữu gần 7000 xe đầu kéo và sơmi rơ – mooc. Thời gian gần đây phải đến trên 40% lượng xe kể trên không tham gia hoạt động do các chủ DN và lái xe đang đối mặt với nhiều nỗi lo”.

Nỗi lo về phí

Hiện các DN, HTX vận tải trên cả nước đang phải nộp rất nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu và bình ổn xăng dầu... Ngoài ra, còn 1 số bất cập khác trong việc thu phí hiện nay khiến DN đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng ‘kêu cứu’
Xe container nằm ngổn ngang tại bãi

Ông Hoàng Văn Tản - tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, "mặc dù Thông tư 197 của Bộ Tài chính  đã có hiệu lực, thế nhưng trên Quốc lộ 5 vẫn hiện vẫn tồn tại 2 trạm thu phí phía Hải Phòng và Hưng Yên, khi qua mỗi trạm này, mỗi xe container  phải đóng phí 80.000 đồng/lượt, như vậy mỗi chuyến cả đi và về mỗi xe phải đóng mức phí là 320.000 đồng".

Việc thu phí ô tô theo kỳ đăng kiểm 3 - 6 - 9 tháng và 1 năm là chưa phù hợp với tình hình các DN vận tải đang gặp khó khăn hiện nay. Nếu thu theo chu kỳ 3 hay 6 tháng và mỗi xe đóng hơn 1 triệu đồng/tháng thì DN có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, theo đề xuất của các DN việc thu phí rơ - mooc, sơmi rơ - mooc cũng cần xem xét lại vì bản thân 2 loại phương tiện này sẽ không tự vận hành được mà phải kết hợp với đầu kéo mới  hoạt động vận tải được trên đường.

Nỗi lo… quá tải

Về những vấn đề nói trên, ông Đặng Thế Phương – giám đốc Cty CP giao nhận vận tải Phương Lâm chia sẻ, nếu thực hiện đúng theo quy định trọng tải tham gia giao thông theo sổ chứng nhận kiểm định thì chắc sẽ có nhiều DN vận tải phải ngừng hoạt động vì nếu hoạt động chắc chắn sẽ vi phạm, một trong những nguyên nhân là do việc không đồng nhất cho phép trọng tải tham gia giao thông của các phương tiện vận tải đầu kéo sơmi rơ – mooc.

Cụ thể, cùng một loại sơ mi rơ mooc (hợp pháp) chở container 20’ hoặc 40’ nhưng có xuất xứ sản xuất khác nhau, trọng tải cho phép tham gia giao thông khác nhau như loại sơmi rơ – mooc tải 3 cần trục(chở container 40’) nhãn hiệu Jupiter do Trung Quốc sản xuất có trọng tải thiết kế 40 tấn, trong tải cho phép chở 22,3 tấn.

Bên cạnh đó, các container nguyên đai, kẹp chì, các chủ xe vận tải không được mở thì không xác định được trọng lượng và theo hợp đồng không được hạ tải… Chưa tính đến, do quy chuẩn đóng hàng ở các quốc gia không đồng nhất, các qui định đóng hàng trong nước chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng các chủ hàng khi đóng hàng đã tận dụng hết thể tích của container hoặc đóng quá lớn cho 1 cuộn, kiện do đó hàng hóa khi vận chuyển đường bộ sẽ bị vi phạm lỗi quá tải…

Ông Trương Văn Thái – phó tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho biết, “tình trạng tận dụng đóng hàng hết thể tích của vỏ, kiện thường diễn ra ở loại hàng vận chuyển nội địa(Nam – Bắc), cảng Hải Phòng đã từng bị gãy cần cẩu do kiện hàng quá nặng”.

Từ những sự việc trên, ông Lê Văn Tiến – chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, cần cân trọng tải xe một cách đồng loạt, triệt để trên mọi tuyến tránh tình trạng xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực.

Đối với công tác đăng kiểm, nên khám xe, đăng kiểm 6 tháng/lần thay vì 3tháng/lần như hiện nay giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí. Phí đường bộ cũng nên tính vào giá xăng dầu để đảm bảo công bằng cho xe chạy ít, chạy nhiều.

Bên cạnh đó, cần có các qui định cụ thể và được công bố rộng rãi về tải trọng hàng hóa đóng trong container được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải có 1 thời gian “trễ” để các DN vận tải thống nhất và thực hiện hết các hợp đồng đã ký với các chủ hàng để vừa tránh tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng, vừa đảm bảo các cam kết cũ, trong thời gian đó các DN XNK, DN nội địa và các cơ quan liên quan sẽ nắm bắt thông tin, điều chỉnh từ việc đóng hàng đến xếp dỡ, vận chuyển đúng theo qui định của nhà nước.

Trần Kỳ 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.