Chiều ngày 4/6, Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và tự chủ đã diễn ra với sự tham gia đông đảo của cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại sự kiện, chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động thích ứng và hợp tác để hội nhập, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết trong giai đoạn hậu Covid-19, tái cấu trúc doanh nghiệp càng trở nên tất yếu, phải ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, Covid-19 cho thấy cách thức vận hành, phát triển kiểu cũ không còn phù hợp. Đây là lúc các doanh nghiệp cần tiếp cận với tiến trình phát triển, kết nối giá trị con người của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong sự tái cấu trúc đó, các doanh nghiệp đang có xu hướng ngày càng hướng về xã hội, thể hiện trách nhiệm nhiều hơn với xã hội.
“Doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến mình người lao động của mình mà mở rộng quan tâm đến rộng rãi đối tượng hơn trong xã hội.
Thậm chí hiện nay, chiến lược phát triển của doanh nghiệp không phải là win-win mà được thay thế bằng win-win-win trong đó win cuối cùng là cho xã hội được hưởng lợi”, ông Đoàn khẳng định và cho biết xu hướng này đã, đang và sẽ là chiến lược, đích đến cuối cùng của nhiều doanh nghiệp bao gồm cả các tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới như: IBM, Microsoft, Apple,..
Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng các doanh nghiệp cần đánh giá ảnh hưởng của covid-19 đến cách tiêu dùng, đi lại, tổ chức làm việc, chuỗi cung ứng; đánh giá lại thế mạnh, tầm nhìn của doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải đánh giá lại thị trường của doanh nghiệp trong đó xác định rõ các cơ hội thị trường mới hoặc các cơ hội thị trường không còn tồn tại. Ông Đoàn cũng lưu ý cần tiếp tục tận dụng tốt thị trường rộng lớn trong nước đồng thời phải tìm cách tận dụng dư địa của 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các đối tác.
Về cái đích của tái cấu trúc, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đề cập đến 4 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là thiết kế lại một bộ máy tinh gọn, cơ cấu tổ chức linh hoạt để tùy biến khi cần thiết. Thứ hai là thiết kế lại hành trình trải nghiệm cho nhân viên. Thứ ba là chú trọng chức năng lãnh đạo trong tổ chức, không chỉ đối với người đứng đầu mà đối với từng người quản lý. Và cuối cùng là cần tạo ra một văn hóa linh hoạt cho tổ chức
Ông Đoàn cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp cần tái cấu trúc để hướng đến việc một mô hình quản trị tốt không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào kể cả người lãnh đạo doanh nghiệp.
“Hiện nay đôi khi thương hiệu doanh nghiệp lại gắn liền với thương hiệu của cá nhân lãnh đạo. Tuy nhiên chúng ta phải xác định phải chuyển đổi thành hệ thống lãnh đạo, ban lãnh đạo của doannh nghiệp bởi vì việc chỉ dựa vào một cá nhân lãnh đạo thì đó cũng là một rủi ro, giống như hình tượng “con voi đi trên cái tăm” nếu người lãnh đạo gặp rủi ro thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế, làm việc với nhiều đối tác thậm chí có người còn hỏi tôi: “Nếu anh đi máy bay mà máy bay rơi thì doanh nghiệp sẽ vận hành thế nào?” nói như vậy để hiểu rằng cần quản trị rủi ro tới mức cao nhất là người lãnh đạo doanh nghiệp không còn nữa”, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.
Về chiến lược kinh doanh, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng với nguồn lực còn hạn chế, các doanh nghiệp chỉ nên dồn sức để làm một việc đặc biệt trong bối cảnh đòi hỏi chuyên nghiệp hóa ngày càng cao.
Đối với kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng doanh nghiệp xác định nhìn nhận quy mô doanh nghiệp của mình, xác định liệu mình đang đi trong "ngách, ngõ hay đường lớn" để có kế hoạch kinh doanh phù hợp
Đặc biệt, ông Đoàn khẳng định trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta muốn tồn tại và phát triển bền vững thì buộc phải liên kết với phần còn lại của thế giới. Cách đi nhanh nhất là phải khôn khéo chọn các đối tác mạnh và phù hợp. Trong đó, bí quyết là biết dựa thế kẻ mạnh.