Nhận định trên được chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra trong khuôn khổ Ngày hội nhà cung cấp 2018 do hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và chi hội TP.HCM (AmCham) tổ chức ngày 4/10 tại TP.HCM.
Khi bàn về việc tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết DN vừa và nhỏ Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Brian Mtonya đã thẳng thắn chia sẻ về thất bại thị trường chính trong các chương trình liên kết, ngăn cản sự phát triển các liên kết giữa DN FDI và DN vừa và nhỏ Việt Nam cũng như những kinh nghiệm quốc tế.
Theo đó, thị trường Việt Nam trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN nước ngoài đang tồn tại nhiều hạn chế. Một trong số đó là sự thiếu hụt nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh trong hoạt động cung cấp nguyên liệu đầu vào phù hợp về chất lượng, số lượng và giá cả cho DN nước ngoài.
Cụ thể, tỉ lệ DN nước ngoài ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước khá thấp. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam chỉ đạt 67,6% trong khi Malaysia đạt gần 100%, Trung Quốc và Thái Lan đều đạt trên 95%.
Có đến 50% DN nước ngoài nắm giữ chứng nhận chất lượng được quốc tế công nhận, trong khi đó DN trong nước chỉ có 9%, DN có liên kết chiếm 24% và DN không liên kết chiếm 6% (theo thống kê từ Ngân hàng Thế giới).
Việc thiếu hụt nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh sẽ dẫn tới việc các công ty nước ngoài sẽ phải tìm kiếm nơi khác và liên kết với các công ty khác có thể cung cấp nguyên liệu đầu vào phù hợp (về chất lượng, số lượng và giá cả) để kịp thời hoàn thành quá trình sản xuất.
Mặt khác, khi phân tích về khả năng tiếp cận tài chính, vốn của các DN, ông Brian Mtonya đã chỉ ra trở ngại kinh doanh hàng đầu của DN ở Việt Nam. Đó là việc khó tiếp cận tài chính hơn so với các nước đồng đẳng.
Theo thống kê từ phía Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ DN ở Việt Nam được vay vốn hoặc thấu chi thấp hơn Malaysia và Thái Lan rất nhiều. Cụ thể, ở Malaysia, tỉ lệ được vay vốn/thấu chi của DN có liên kết đạt đến 100%, Thái Lan đạt 80%, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 20%.
Lý giải cho những trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Brian Mtonya chia sẻ nguyên nhân chủ yếu là do nhiều DN vừa và nhỏ tại Việt Nam thiếu tài sản bảo đảm thậm chí không có tài sản để thế chấp.
Các doanh nghiệp cũng không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quá khứ, hiện tại và cơ hội tương lai một cách rành mạch; phương án kinh doanh để vay vốn không rõ ràng, thiếu sức thuyết phục đối với các tổ chức tín dụng.
Từ những khó khăn trên, đại diện cho Ngân hàng Thế giới, ông Brian Mtonya đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và liên kết của DN vừa và nhỏ theo “Chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ”.
Theo đó, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về lộ trình thực hiện chương trình dựa trên 4 trụ cột. Đầu tiên, Chính phủ cần thành lập ủy ban Liên ngành phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với các bên liên quan chính – Nhà nước và tư nhân (công ty dẫn đầu và nhà cung cấp trong chuỗi giá trị); cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh; thành lập cục CNHT để quản lý chương trình phát triển nhà cung cấp.
Tiếp đó, Chính phủ cũng cần tạo sự kết nối công ty đa quốc gia với DN trong nước đồng thời xây dựng chương trình phát triển nhà cung cấp để hỗ trợ các công ty trong nước về dịch vụ tư vấn, cố vấn và nâng cấp thiết bị.
Cùng với đó, việc tạo điều kiện và thúc đẩy đào tạo kỹ năng theo nhu cầu, dịch vụ quản lý, chất lượng, tiêu chuẩn cũng như tăng cường hệ sinh thái Nghiên cứu và phát triển (NC&PT), thông qua việc sử dụng chính sách ưu đãi hành vi, thúc đẩy các phương thức đào tạo và tư vấn khác, phát triển các cụm NC&PT thông qua hợp tác công - tư với các trường đại học cũng là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình thực hiện chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ.
Về phía các DN vừa và nhỏ, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa với việc DN phải cho ra sản phẩm tốt, giá cả tốt, thời gian hợp lý. DN cung cấp nội địa cần tăng cường và củng cố năng lực thông qua việc thực thi các yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng, yếu tố kỹ thuật trong sản xuất để đạt đến tiêu chuẩn cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Từ đó, nhà cung cấp nội địa có thể tạo ra và phát triển các cơ hội thị trường mới cũng như nhận biết và giải quyết những thử thách, đóng góp vào thành tựu của chương trình phát triển thị trường chuỗi cung ứng Việt Nam.